Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị).

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị).

Đại biểu tranh luận gay gắt về tăng thuế với rượu bia, nước uống có đường

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều đại biểu tán thành tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia và nước giải khát có đường. Song cũng có ý kiến cho rằng, cần có lộ trình tăng thuế thích hợp và nghiên cứu kỹ để tránh gây cú sốc cho doanh nghiệp.

Nên có lộ trình tăng thuế với rượu, bia

Sáng 22/11, Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Đa số các ý kiến nhất trí tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với các mặt hàng có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá… Dù vậy, cũng có ý kiến đề xuất phải cân nhắc lộ trình cụ thể. Riêng đồ uống có đường đang có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), việc tăng thuế với rượu, bia, thuốc lá như đề xuất phương án 2 của Chính phủ là rất cần thiết, giúp giảm nhanh hơn tỷ lệ tiêu thụ các mặt hàng có hại cho sức khỏe này.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 22/11 về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 22/11 về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) thậm chí còn kiến nghị tăng thuế cao hơn so với đề xuất của Chính phủ.

Theo đại biểu, hiện nay, tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ, gây ảnh hưởng lớn đến y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề về xã hội. Giá rượu, bia của Việt Nam hiện rất rẻ, sức mua tăng mạnh do thu nhập tăng nhanh, trong khi giá rượu, bia tăng rất chậm. Tăng thuế để tăng giá các mặt hàng bia, rượu đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu sử dụng, đặc biệt là người tiêu dùng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên sẽ giảm sử dụng nhiều hơn khi thuế và giá rượu tăng.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia lên 85% ngay sau khi Dự thảo Luật có hiệu lực thi hành, mỗi năm tăng thêm 5%, đạt mức tối đa 100% vào năm 2029, bao gồm cả rượu dưới 20 độ.

Hiện trong Dự thảo, Chính phủ đang nghiêng về phương án tăng thuế TTĐB lên 80% với rượu trên 20 độ và bia từ năm 2026, sau đó mỗi năm tăng 5%, đạt mức tối đa 100% vào năm 2030. Riêng với mặt hàng rượu dưới 20 độ sẽ tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Dù vậy, cũng có ý kiến đề nghị nên cân nhắc kỹ về thời điểm tăng thuế.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, tác hại không mong muốn của rượu, bia ai cũng nhìn thấy, cũng chưa có quốc gia nào mua bán rượu, bia lại dễ như ở Việt Nam. Tuy vậy, thực tế là hiện nay, hầu như tỉnh nào cũng có nhà máy sản xuất rượu, bia, riêng mặt hàng bia có tới 21 nguyên liệu đầu vào. Do đó, nếu tăng mạnh thuế để giảm tiêu thụ rượu, bia thì sẽ tác động đến ngân sách cũng như giải quyết việc làm của các địa phương.

Chính vì vậy, đại biểu Thắng cho rằng, việc tăng thuế nên có lộ trình hợp lý. Thời gian qua, ngành rượu, bia và các ngành nghề liên quan cung cấp nguyên liệu đầu vào bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, chưa kịp tái cơ cấu, chuyển đổi. Nếu thực hiện tăng thuế ngay sẽ khiến các doanh nghiệp chơi vơi, người lao động mất việc làm.

“Tăng thuế là cần thiết, song tăng thuế ngay với mức như hiện nay sẽ là cú sốc cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng, cần có thêm thời gian để các cơ sở sản xuất rượu, bia và doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào tái cơ cấu, chuyển đổi, nên chậm lại đến năm 2027 mới tăng thuế. Ngoài ra, khi tăng thuế cần lường trước nguy cơ bia, rượu nhập lậu hoặc bia, rượu gia công tăng”, đại biểu Hoàng Đức Thắng khuyến nghị.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng, ngành bia đóng góp cho ngân sách nhà nước khá lớn, khoảng 56.000 tỷ đồng, lao động trực tiếp khoảng hơn 50.000 người. Trong khi đó, ngành sản xuất này vừa phục hồi sau đại dịch, vì vậy, cần cân nhắc về lộ trình và mức tăng để tránh cú shock tiếp theo. Theo đại biểu, nên giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt 65% như hiện nay trong 2 năm, sau đó mới tính toán mức tăng phù hợp, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi và điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

Tranh cãi đánh thuế với đồ uống có đường

Đánh thuế 80% với vàng mã để tránh lãng phí

Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) cho rằng, nhiều năm trở lại đây, việc đốt các loại tiền vàng mã, hàng mã có xu hướng gia tăng, bộc lộ những vấn đề tiêu cực. Theo thống kê hằng năm Việt Nam có hơn 20 triệu hộ dân thường xuyên mua sắm, đốt vàng mã, theo ước tính mỗi hộ chi tối thiểu khoảng 200.000 đồng/năm mua sắm đồ vàng mã thì số tiền chi cho việc đốt vàng mã của cả nước khoảng 4.000 tỷ đồng, nếu mỗi gia đình sử dụng khoảng 2 kg/năm thì số lượng vàng mã được đốt đạt khoảng 40.000 tấn. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tăng thuế vàng mã, hàng mã lên 80% để người dân hạn chế việc đốt vàng mã tràn lan, ồ ạt như hiện nay gây lãng phí.

Riêng nội dung bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất là 10% gây tranh luận gay gắt.

Một số ý kiến cho rằng, đây là quy định cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho người dân, ngược lại cũng có ý kiến cho rằng, quy định này không có căn cứ rõ ràng.

Thực tế, bệnh béo phì hiện nay không chỉ do đồ uống có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh đồ uống này tác động tiêu cực đến sức khỏe trẻ em. Thực tế có nhiều sản phẩm không phải đồ uống có đường, nhưng lại có hàm lượng đường cao, có nguy cơ gây béo phì, nhưng lại không nằm trong danh sách đối tượng bị đánh thuế TTĐB.

“Cơ quan soạn thảo phải chứng minh thuyết phục tác động không mong muốn của đồ uống có hàm lượng đường trên 5g/100ml trước khi đánh thuế. Nếu đã chứng minh được thì phải có quy định đảm bảo bao phủ tất cả loại đồ uống tương tự khác (ví dụ bột nhập khẩu về pha thành đồ uống), tránh bị bỏ lọt hoặc thiếu công bằng”, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị.

Trong khi đó, bà Dương Minh Ánh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng, việc tăng thuế với đồ uống có có hàm lượng đường trên 5g/100ml về lâu dài sẽ làm giảm thu ngân sách. Bà Ánh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ cơ sở chứng minh việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng 5 gram/100ml có thể thay đổi hành vi người tiêu dùng và đạt được hiệu quả cho việc giảm tỷ lệ người thừa cân béo phì so với bánh, kẹo, ô mai... Thực tế, nhiều nước đánh thuế đồ uống có đường, nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì lại tăng lên.

Chưa kể, hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển sang các sản phẩm đồ uống ít đường hàm lượng dưới 5 gram, nhưng vẫn có độ ngọt sẽ không phải chịu thuế. Do đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với doanh nghiệp trong nước, tạo sự bất bình đẳng với công ty nước ngoài, chưa nên áp dụng thuế này với nước giải khát có đường.

Phát biểu tại thảo luận tổ sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, Bộ Y tế cho rằng, tăng thuế TTĐB với những mặt hàng có hại cho sức khỏe như: rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường… là cần thiết.

Liên quan đến thuế đối với đồ uống có đường, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, hiện đã có bằng chứng đối với việc tăng lượng đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, tim mạch, loãng xương, béo phì…, từ đó làm tăng các nguy cơ các bệnh khác, trong đó có bệnh ung thư.

Ở Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 4 lần trong 15 năm vừa qua: từ 18,5l/người năm 2009 lên 66l/người năm 2023 là yếu tố góp phần tăng tỷ lệ béo phì ở thanh thiếu niên từ gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Những người này có nguy cơ mắc bệnh mạn tính, rối loạn sức khỏe do thừa cân béo phì và ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: "Việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là phù hợp với xu thế quốc tế và thực tế hiện nay. Ít nhất đã có 104 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia trong ASIAN áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường".

Bên cạnh đó, Bộ Y tế nhất trí đối với đề xuất của Chính phủ trong việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam, còn đối với các loại đồ uống khác sẽ có lộ trình về áp thuế sau khi đã thực hiện ổn định đối với nước giải khát có đường. Tuy nhiên, về thuế suất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gửi Bộ Y tế đề nghị là mức thuế TTĐB cao hơn so với mức đề xuất đề ra là 10% trên giá bán của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan