Đại biểu sốt ruột vì 1 triệu tỷ đồng đang “đắp chiếu”, Bộ trưởng Tài chính nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội nói, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng, đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng là vấn đề nhức nhối, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định “hoàn toàn đúng”.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc bên hành lang Quốc hội - (Ảnh: NY) .

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc bên hành lang Quốc hội - (Ảnh: NY) .

Như Báo điện tử Đầu tưđã thông tin, phiên thảo luận tổ sáng 25/5 của Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề cập một vấn đề theo ông là nhức nhối.

Cụ thể là, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng đã đứng ở mức khá cao từ năm 2019 và gia tăng đáng kể từ năm 2022, tới giữa tháng 5 này đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.

“Đây là một vấn đề nhức nhối, một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được. Đây cũng chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, khi mà tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm “đắp chiếu” chủ yếu ở Ngân hàng Nhà nước và đã không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công’, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo đại biểu, thực trạng này thực ra đã được nhận diện khá lâu. Các nguyên nhân được chỉ ra mỗi năm một dài thêm, nhưng điểm mấu chốt của vấn đề vẫn chưa thể được giải quyết triệt để.

Ngay sau đó, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói vấn đề 1 triệu tỷ đồng đang “đắp chiếu” mà đại biểu nêu trên là ”“hoàn toàn đúng”.

Theo Bộ trưởng, khó khăn nhất trong nền kinh tế hiện nay là hạn chế tổng cầu, trong khi cơ cấu hình thành lên tổng cầu là tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân, tiêu dùng chính phủ, xuất nhập khẩu… Để kinh tế phát triển thì phải làm cho đầu tư tư nhân, tiêu dùng xã hội tăng lên, tức là phải có cơ chế chính sách, môi trường đất đai…

Đầu tư công sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển. Khi đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy cho kinh tế xã hội phát triển, các ngành nghề đều được thụ hưởng, dẫn dắt đầu tư tư nhân, ông Phớc nói.

Bộ trưởng giải thích, hiện tại, do nghẽn giải ngân đầu tư công, nên Bộ Tài chính phải gửi số tiền này của Kho bạc Nhà nước vào Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8% một năm, đây cũng là hạn chế.

Vậy, nguyên nhân từ đâu? Trả lời, ông Phớc nói là chưa chuẩn bị dự án.

Theo Luật Đầu tư công, có tiền mới được lập dự án, có dự án mới được bố trí tiền, nên vốn phải chờ công trình, làm sao mà giải ngân được.

Để giải ngân được thì phải hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư, nhấn mạnh điều này, ông Phớc giải thích cặn kẽ hơn: trong xây dựng cơ bản có 3 khâu, chuẩn bị đầu tư, lập dự án, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lập hồ sơ mời thầu, mời thầu, đấu thầu hoặc chỉ định thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, còn khâu thực hiện đầu tư là nhà thầu được triển khai đầu tư trên công trình và cuối cùng là quyết toán.

Vướng hiện nay ở khâu chuẩn bị đầu tư. Khi phê duyệt dự án mới giải phóng mặt bằng, phải trích lục sử dụng đất, tính phương án chi trả giải quyết khiếu nại. Khâu chuẩn bị đầu tư quá dài do vốn phải chờ công trình, khiến khoản tiền chuẩn bị cho giải ngân, quyết toán này là “cục máu đông”.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng phải dùng 1 luật để sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công.

Liên quan đến vấn đề trên, phát biểu thảo luận tổ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: “Trước các đại biểu hay chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về chậm giải ngân đầu tư công, nhưng giờ phân cấp hết cho các địa phương, từ chọn dự án, lập thủ tục, đề xuất, phân bổ chi tiết đến thực hiện giải ngân, giải phóng mặt bằng... Bộ chỉ còn làm công tác tổng hợp”.

Bộ trưởng mong các đại biểu giám sát ngay địa phương mình, để làm rõ vì sao cùng thể chế như nhau sao có địa phương làm tốt, có nơi không tốt. Nghĩa là nhiều vấn đề ở tổ chức thực hiện chứ không nằm ở pháp luật.

Tin bài liên quan