Đại biểu Phạm Văn Hoà trao đổi với báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội (Ảnh: M.M)

Đại biểu Phạm Văn Hoà trao đổi với báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội (Ảnh: M.M)

Đại biểu Quốc hội: Thiếu điện ngoài lý do thời tiết thì còn lý do là trong những năm qua không có dự án điện nào lớn được đầu tư, nhiều dự án bị chậm triển khai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho rằng ngoài lý do thời tiết, việc thiếu điện triền miên hiện nay còn do mấy năm nay không có dự án điện nào được triển khai, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà đề nghị nếu năm 2023, 2024 tiếp tục lỗ thì lãnh đạo EVN nên từ chức để người khác điều hành tốt hơn.

Cắt điện liên tục, dân bức xúc là đúng

Trao đổi với báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội chiều 10/6, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nhận định, tình trạng thiếu điện đã xảy ra nhiều năm nay, cứ đến mùa hè là kêu gọi dân tiết kiệm điện vì lo thiếu điện, gây bức xúc cho người dân.

“Hà Nội mấy ngày nay giữa thời điểm nắng nóng mà phải tiết kiệm điện, cắt điện chỗ này chỗ kia, có chỗ cắt từ sáng đến chiều... thì người dân bức xúc là đúng", ông Hoà nói.

Theo vị đại biểu, tuy rất thông cảm với ngành điện” nhưng ông cũng băn khoăn tại sao tình trạng thiếu điện này kéo dài đã nhiều năm mà chưa khắc phục được.

Vừa rồi đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xin lỗi người dân về tình trạng cắt điện và vị này cũng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục. Tuy nhiên theo ông Hoà, thiếu điện ngoài lý do thời tiết thì còn lý do là trong những năm qua không có dự án điện nào lớn được đầu tư, nhiều dự án bị chậm triển khai.

Bộ Công thương cũng đã vào cuộc, lập đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN trong giai đoạn 01/01/2021 đến 01/6/2023 kể từ ngày 10/6/2024.

“Để xem kết quả thanh tra thế nào, EVN điều hành lưới điện cho người dân, doanh nghiệp sắp tới ra sao, rồi chúng ta sẽ có những đánh giá đối với EVN”, vị đại biểu nói.

Trước đó, ngày 9/6, khi trao đổi với báo chí, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết việc thiếu điện đã được cảnh báo từ vài năm trước.

Ông Thanh cho rằng, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi lại ở mức khoảng 6-7%, tình trạng thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn chứ không phải chỉ như hiện nay.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc “ông có sốt ruột khi những năm qua không có dự án lớn được đầu tư, có cũng triển khai chậm là nguyên nhân khiến cho nguồn cung cho hệ thống bị thiếu hụt?”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay “đã có báo cáo hết cả rồi”.

Theo đó, ông Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra rất rõ “địa chỉ” chậm ở các dự án nguồn điện do các tập đoàn năng lượng triển khai đầu tư, bao gồm Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than và Khoáng sản.

Nếu năm 2023, 2024 tiếp tục để lỗ thì trách nhiệm của EVN là rất lớn

Kết quả kinh doanh của EVN năm 2022 cho thấy, tập đoàn này đang lỗ 26.000 tỷ đồng. Bình luận về điều này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, "nếu năm 2023, 2024 tiếp tục để lỗ thì trách nhiệm của EVN là rất lớn".

“Tiếp tục lỗ nữa thì người đứng đầu ngành trên nên có văn hóa từ chức để cho người khác điều hành EVN tốt hơn. Không thể năm nào Nhà nước cũng bù đắp cho EVN được. Tiền này là ngân sách, tiền của người dân...”, ông Hoà nói.

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, có sự vào cuộc của thanh tra, kiểm toán thì sẽ phơi bày ra ánh sáng nguyên nhân lỗ 26.000 tỷ đồng mà EVN vừa báo cáo.

“Nếu lỗ có nguyên nhân lý do khách quan thì chấp nhận được, còn lỗ không phải nguyên nhân khách quan thì không thể chấp nhận được”, đại biểu nói.

Trong một diễn biến liên quan, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 25/5 của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022, còn các công ty phát điện, gồm đơn vị thành viên của EVN, vẫn lãi hàng nghìn tỷ và có hàng chục nghìn tỷ gửi ngân hàng.

Trong văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và các đại biểu Quốc hội mới đây, EVN giải thích, cần xem xét con số gửi hàng chục nghìn tỷ với số dư nợ ngắn hạn, khoảng 60.045 tỷ đồng, tại cùng thời điểm của các công ty thành viên.

Theo EVN, các khoản nợ ngắn hạn trên cho thấy số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn.

"Nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới", văn bản của EVN cho biết.

Ngoài ra, tập đoàn này cho biết, số tiền nói trên được dùng để thanh toán nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký, đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải (tiêu thụ điện năng) và chi phí cho sản xuất kinh doanh...

Tin bài liên quan