Đại biểu Quốc hội: Phải quản lý được khối lượng vàng giao dịch

0:00 / 0:00
0:00
Diễn biến thị trường vàng ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế thì phải có khối lượng giao dịch cụ thể để đánh giá, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh.
Đại biểu Quốc hội: Phải quản lý được khối lượng vàng giao dịch

Quan điểm trên được đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu tại phiên thẩm tra về kinh tế, xã hội của Ủy ban sáng 25/4.

Trong báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường vàng được đánh giá là quản lý còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn.

Dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phản ánh ý kiến cho rằng, tỷ giá USD có xu hướng tăng và dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành "thị trường ngầm” về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát. Nhất là hành vi ưa thích vàng, ngoại tệ ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh, cho rằng Chính phủ tổ chức đấu thầu vàng SJC là đúng, kịp thời. Tuy nhiên, quan trọng là thị trường cần phải được quản lý tốt hơn.

Chênh lệch giá vàng không phải là chuyện lớn mà quan trọng là công tác quản lý thế nào? Hiện nay cứ nói giá vàng cao, ví dụ giá ngày hôm nay là 80,82 triệu đồng/lượng nhưng không biết khối lượng bán ra là bao nhiêu.

“Tôi nghĩ rằng, tất cả các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ. Nếu quản lý chặt chẽ khối lượng giao dịch của các điểm giao dịch thì lúc đó sẽ không có tình trạng thao túng. Với công nghệ hiện nay thì tất cả khối lượng bán ra ở các cửa hàng đều có máy cập nhật, không quá khó. Làm được việc này sẽ triệt tiêu lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng. Khi nào nhu cầu vàng SJC quá lớn nhà nước tổ chức đấu thầu, lợi ích sẽ vào Nhà nước. Nhà nước không mong lợi ích ở đây nhưng cần bình ổn và ngăn trục lợi”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Đầu tư, ông Thịnh nhấn mạnh yêu cầu về quản lý khối lượng giao dịch và công khai cho dân biết.

“Ví dụ, hôm nay vàng tăng giá 2 triệu nhưng khối lượng rất ít thì chẳng ảnh hưởng gì đến thị trường cả. Nhưng nếu khối lượng giao dịch nhiều, cơ quan quản lý biết nhu cầu vàng SJC có thật, thì nhà nước tổ chức đấu thầu. Toàn bộ nguồn lợi về nhà nước”, ông Thịnh trao đổi.

Diễn biến thị trường vàng có ảnh hưởng nhiều hay không nhiều đến nền kinh tế thì phải có khối lượng giao dịch cụ thể. Vì thế cần phải có quy định về quản lý khối lượng trong ngày, hiện nay thông tin rất mù mờ, chỉ biết giá mà không biết khối lượng đi theo. Phải biết khối lượng thì mới ra được quy mô giao dịch, từ đó đưa ra được quyết định chính sách phù hợp, mà phần mềm quản lý đó rất dễ, nhà nước có thể cấp miễn phí cho các nơi kinh doanh vàng, từ đó quản lý được toàn bộ khối lượng giao dịch.

“Thông tin hiện nay chưa đủ để nhà nước ra quyết định. Nhưng không nên có tư tưởng đẻ ra thêm tín chỉ vàng, vàng hóa nền kinh tế mà nên thay đổi cách quản lý”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Như đại biểu nói thì quản lý khối lượng rất dễ, vậy tại sao đến tận bây giờ vẫn chưa được áp dụng? Trả lời câu hỏi này, ông Thịnh cho rằng câu trả lời liên quan đến câu hỏi “làm để làm gì, ai muốn làm…".

Vẫn theo vị đại biểu Bắc Giang thì việc quản lý khối lượng giao dịch không hề ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, vì vàng là hàng hóa đặc biệt, nếu không quản chặt mà “làm chảy máu ngoại tệ thì chết".

Vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ ứng xử với thị trường vàng ra sao? Dù là vấn đề đã và đang rất nóng, song tại báo cáo số 116 ngày 15/4 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phục vụ phiên thẩm tra không có nhiều thông tin về thị trường vàng.

Đánh giá bổ sung năm 2023, báo cáo nêu, NHNN luôn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng và đã chuẩn bị sẵn sàng giải pháp can thiệp thị trường vàng để triển khai khi cần thiết. Từ đầu năm 2023 đến nay, do kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro gia tăng; bất ổn chính trị, xung đột giữa các quốc gia, đặc biệt là xung đột giữa Nga - Ukraine và Israel - Hamas kéo dài, nhu cầu tìm đến vàng như kênh trú ẩn an toàn khiến giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh. Giá vàng miếng SJC trong nước tăng cao theo xu hướng của giá vàng thế giới, nguyên nhân một phần do tâm lý kỳ vọng vào việc giá vàng thế giới có thể tiếp tục tăng.

Qua theo dõi báo cáo của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD) kinh doanh vàng miếng, doanh số mua bán vàng miếng SJC trong hệ thống thời gian qua vẫn tương đối cân bằng, người dân có xu hướng bán vàng miếng cho hệ thống TCTD và doanh nghiệp .

Năm 2023, NHNN thực hiện tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới.

Những tháng đầu năm 2024, về tình hình quản lý thị trường vàng, báo cáo của NHNN nêu, thực hiện chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã gửi công đề nghị các Bộ, ngành có liên quan cử cán bộ tham gia Đoàn liên ngành thanh tra tình hình chấp hành quy định quản lý hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng. Đến nay, các Bộ, ngành đã cử cán bộ, NHNN đang triển khai các nội dung tiếp theo.

Ngày 20/3/2024, NHNN có Tờ trình số 28/TTr-NHNN trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã xin ý kiến các chuyên gia là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia về định hướng, giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, theo báo cáo của NHNN.

Tin bài liên quan