“Bức tranh kinh tế đang đẹp nhưng vẫn còn ‘vết nhám’ cần giải quyết, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu công bằng, còn nhiều thủ tục, rào cản với doanh nghiệp; tiến trình cổ phần hóa còn chậm; việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả chưa tiến triển nhiều...”, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay của Quốc hội.
Ông Nhưỡng cho biết thêm, qua trực tiếp đi khảo sát Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, thì tuy đang khởi động hoạt động trở lại, nhưng bất cập ở chỗ cả nhập khẩu nguyên liệu lẫn việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thị trường miền Nam, nên chi phí vận chuyển tốn kém.
Hay như Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, doanh nghiệp quyết tâm cổ phần hóa để đầu tư giai đoạn 2, nhưng Tổng công ty thép Việt Nam lững lờ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động.
“Dự án nào không triển khai hiệu quả tiếp được thì cần phá sản, dự án nào cổ phần hóa và bán được thì cần triển khai ngay. Có dư luận cho rằng, việc triển khai khắc phục các dự án kém hiệu quả kéo dài là nhằm giảm giá trị, qua đó người ta mua lại với giá rẻ, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân…”, ông Nhưỡng thẳng thắn.
Giải đáp bức xúc trên của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, về 12 dự án kém hiệu quả, đến nay đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể.
Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc để làm rõ sai phạm. Các sai phạm được xem xét toàn diện cả về hình sự, để giải quyết đồng bộ, không để xảy ra trong tương lai...
Theo đó việc triển khai các bước xử lý được tiến hành toàn diện, triệt để trong năm 2018-2019 để đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý. Các dự án này được xử lý trong khung khổ luật pháp; theo đúng nguyên tắc thị trường, không trợ cấp, nhà nước không cung cấp thêm vốn; bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư…
Các Bộ ngành như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc xử lý các dự án và đến nay, tiến độ cơ bản đạt một số kết quả tích cực. Trong số 6 dự án dừng kinh doanh vì nợ, hoạt động hoạt động không hiệu quả, thì đến nay đã có 2 dự án là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung bước đầu hoạt động hiệu quả, không còn lỗ, sẽ sớm đưa ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả. 4 dự án còn lại cũng đã từng bước khôi phục hoạt động, giảm lỗ.
“Việc đưa 2 dự án trên khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả không phải vì lấy thành tích mà để thực sự hoàn nhập với đời sống kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Dự án liên quan tới nhiên liệu sinh học cũng đã có những chuyển biến cụ thể. Các dự án khác như Gang thép Thái Nguyên, giấy Phương Nam... có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến công nghệ, thậm chí vi phạm pháp luật, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý đồng bộ, theo đúng quy định của pháp luật..
“Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc để làm rõ sai phạm. Các sai phạm được xem xét toàn diện cả về hình sự, để giải quyết đồng bộ, không để xảy ra trong tương lai...”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.