Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bước sang ngày làm việc thứ 3. Trong sáng nay (24/10), sau khi phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 khá cụ thể, chi tiết, nhưng vẫn còn không ít quan ngại về năng suất lao động, mô hình tăng trưởng và vấn đề tích tụ ruộng đất.
“Tăng năng suất lao động chưa đạt, thậm chí có chiều hướng đi xuống nên rất quan ngại. So với một số nước, tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp, nên phải rất lưu ý để đảm bảo tăng trưởng bền vững”, ông Đạt nói.
Tích tụ ruộng đất vẫn chưa được thực hiện dù đã có chủ trương. Qua số liệu thì thu nhập bình quân đầu người tăng, nhưng vẫn chậm chỉ đạt 2.540 USD/năm, nếu không có giải pháp mạnh mẽ thì đếu 2020 không thể đạt được mục tiêu hơn 3.200 USD/năm như mục tiêu.
Quan ngại này cũng trùng với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Tỷ lệ GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2016 - 2018 chỉ tăng bình quân 4,7%/năm, năm 2018 ước đạt 2.540 USD/năm, trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020 là từ 3.200 - 3.500 USD. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay điều này khó lòng đạt được.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt cũng cho hay, mô hình tăng trưởng cũng chưa rõ nét. Mô hình tăng trưởng hiện nay không còn phù hợp với xu thế phát triển, còn nặng phụ thuộc khai thác tài nguyên, khoáng sản.
“Chúng ta phải nhanh chóng đổi mới mô hình tăng trưởng, dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ để từ đó tăng được năng suất lao động”, đại biểu Đạt nói.
Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cụ thể, về kinh tế, Chính phủ đặt mục tiếu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8% năm 2019; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Đại biểu Đạt cho rằng, năm 2019, chỉ tiêu tăng trưởng 6,8% là khiêm tốn và an toàn. Xuất khẩu đặt mục tiêu chỉ tăng 7- 8% cũng là khiêm tốn.