Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát biểu trong một phiên họp tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Doãn Tấn
Tạo điều kiện để doanh nhân tham gia Quốc hội
ĐBQH Đỗ Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho rằng, Đảng và Nhà nước đang phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng 2 triệu doanh nghiệp. Muốn đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải tạo điều kiện cho lực lượng doanh nhân có tiếng nói nhiều hơn tại các diễn đàn chính trị, bởi họ là những người am hiểu sâu về kinh tế và những vấn đề liên quan tới hội nhập kinh tế quốc tế...
Việc cơ cấu doanh nhân doanh nghiệp sẽ làm phong phú thêm cho các hoạt động liên quan đến lĩnh vực kinh tế của Quốc hội.
Vẫn cần doanh nhân vào Quốc hội nhưng điều cần quan tâm hơn là đại biểu Quốc hội là doanh nhân có bảo đảm để đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp không?
Với tinh thần đó, nếu được Quốc hội quan tâm, bổ sung, đưa tỷ lệ doanh nhân tương xứng với tỷ lệ khóa XIII thì sẽ tốt hơn, đồng thời động viên khuyến khích được lực lượng này tích cực phấn đấu, góp phần xây dựng đất nước. Song, thực tế nghị trường những năm gần đây cũng cho thấy, không phải lúc nào nhiều cũng là tốt, đông cũng là mạnh.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, trong khối doanh nghiệp được giới thiệu tham gia ứng cử hoặc tự đề cử, có tới 2 đại biểu là doanh nhân bị bãi nhiệm. Một trong 2 người này bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Từ câu chuyện gần đây nhất - ĐBQH Châu Thị Thu Nga bị bãi miễn và bị cơ quan pháp luật khởi tố, bắt giam không ít người dân, ĐBQH đã đề nghị phải coi đây là bài học trong việc lựa chọn nhân sự ĐBQH khóa tới.
"Vẫn cần doanh nhân vào Quốc hội nhưng điều cần quan tâm hơn là ĐBQH doanh nhân có bảo đảm để đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp không. Nói cách khác, tỷ lệ ĐBQH là doanh nhân cao hay thấp không quan trọng bằng tiếng nói có sức nặng không, có nhận được sự đồng tình của đông đảo ĐBQH hay không. Người không cống hiến, đóng góp nhiều cho hoạt động Quốc hội thì cũng không nên bầu" - cử tri Nguyễn Thị Thoan, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình nêu ý kiến.
Quan trọng là tính đại diện
Theo dự kiến cơ cấu ĐBQH khóa XIV thì mặc dù số lượng ĐBQH là doanh nhân giảm đi, song tính đại diện lại tăng lên nhiều vì sẽ tăng đại diện của các hiệp hội, ngành hàng. Vì vậy, nhiều ĐBQH là chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất này không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện chủ trương "kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế" được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Bởi thành viên của các hiệp hội chủ yếu đến từ khu vực kinh tế tư nhân, mà tính đại diện của các tổ chức nghề nghiệp - xã hội lại cao hơn.
Thực tế cũng cho thấy, các hiệp hội thường xuyên gửi phản hồi về chính sách, pháp luật đến các cơ quan của Quốc hội.
Diễn biến hoạt động nghị trường những năm qua thấy rõ, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ĐBQH Vũ Tiến Lộc với vai trò là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp nói chung phát biểu rất nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các ý kiến này rất có trọng lượng và đã được cơ quan hữu quan tiếp thu ngay, thể hiện trong các luật, nghị quyết… của Quốc hội. Vì vậy, không nên cho rằng chỉ doanh nhân mới đại diện tốt cho doanh nhân. Phải phát triển lên một mức độ mới là: Ý kiến của ĐBQH đại diện cho doanh nghiệp phải được xây dựng, chắt lọc từ ý kiến, mong muốn của các doanh nghiệp thông qua hiệp hội làm đại diện.
Ở góc nhìn khác, TS Trần Du Lịch, ĐBQH Đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong quá trình xây dựng các chính sách bảo vệ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, không phải đa số từ ý kiến đại biểu doanh nhân, mà từ đại biểu ngoài doanh nhân. Do vậy, nếu có quan điểm đông ĐBQH là doanh nhân để bảo vệ doanh nghiệp nhiều hơn là chưa hẳn…
"Cần thêm nữa ĐBQH là đại diện hiệp hội với những kế hoạch tạo điều kiện hoạt động tốt nhất cho doanh nghiệp" - ông Trần Du Lịch nói.