ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) phát biểu tại Hội trường chiều 1/11.

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) phát biểu tại Hội trường chiều 1/11.

Đại biểu Quốc hội "hiến kế" hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoài miễn, giảm thuế, phí; đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thêm lãi suất, hạ chuẩn tín dụng, tăng cơ chế bảo lãnh, hỗ trợ tìm kiếm đơn hàng, thậm chí đề nghị có thêm kỳ họp bất thường của Quốc hội để nghiên cứu thêm gói hỗ trợ giống gói của Nghị quyết 43.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Quốc hội dành 1,5 ngày (từ chiều 31/10 đến chiều 1/11) để thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đóng góp xây dựng cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 nói riêng và kế hoạch giai đoạn 2021-2025 nói chung, trong đó nhấn mạnh giải pháp tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.

Giảm lãi suất, tạm thời không thu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023...

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) nhận định, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách trong chương trình phục hồi kinh tế, nhưng áp lực về chi phí lãi vay của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, trong khi họ vừa phải duy trì thu mua nguyên liệu của người dân, vừa áp lực hàng tồn kho, chi phí kho bãi, vừa áp lực tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ để không bị tụt hậu so với thị trường thế giới.

Chính vì điều đó, doanh nghiệp mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đồng hành và chia sẻ với họ trong lúc khó khăn này.

"Kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất và tạm thời không thu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 cho phần chi phí lãi vay không được trừ đối với doanh nghiệp trong nước theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 của Nghị định 132 về giao dịch liên kết.

Đồng thời, khẩn trương rà soát nghị định này để có những quy định hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, thách thức hiện tại, duy trì sản xuất, phục hồi tiềm lực để tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước", đại biểu Thanh Lam nói.

Bơm vốn cho quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) quan tâm vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi ghi nhận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vì đã quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (riêng năm 2022 đã cho nhóm này vay đến hơn 2 triệu tỷ đồng), ông Thân bày tỏ trăn trở khi thực tế hiện nay vẫn tồn tại thực trạng là ngân hàng thừa tiền trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khát vốn.

"Trong câu chuyện này, hai bên cùng muốn đến một cái đích nhưng không đến được", ông Thân nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đề nghị hạ chuẩn cho vay đối với các doanh nghiệp SME đặc thù.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đề nghị hạ chuẩn cho vay đối với các doanh nghiệp SME đặc thù.

Từ đó, vị đại biểu hiện là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đề xuất 4 giải pháp. Bao gồm:

Thứ nhất, chúng ta phải có một cách nào đó để bơm vốn vào cho quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì cách đây một năm quỹ này thực hiện rất kém nhưng bây giờ làm việc rất tốt, có thể giúp nhóm này vượt qua khó khăn.

Thứ hai, nếu được Quốc hội cho phép phải mở rộng bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh cho ngân hàng vay.

Thứ ba, tiếp tục giảm lãi suất.

Thứ tư, nới tiêu chuẩn Basel III và Basel IV, tức giảm các điều kiện cho vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc thù của Việt Nam.

Sử dụng các quỹ hỗ trợ ngoài ngân sách

Đồng quan điểm với đại biểu Thân về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) đề cập đến các quỹ hỗ trợ ngoài ngân sách.

Theo bà Trang, cần khuyến khích xem xét sửa đổi cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách như quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ đổi mới khoa học công nghiệp...

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long).
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long).

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu hạ lãi suất trên cơ sở ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và giữ ổn định tỷ giá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia vào các dự án đầu tư công và phát triển nhà ở xã hội để huy động được đa dạng nguồn lực xã hội vào sự nghiệp phát triển kinh tế.

Tuy vậy, quan điểm của đại biểu đoàn Vĩnh Long, quan trọng nhất vẫn là cơ chế. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục lãnh đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn thực thi pháp luật.

"Nhất là trên lĩnh vực kinh tế, cần nhanh chóng khắc phục, chấn chỉnh những bất cập, chồng chéo làm gia tăng thời gian phát sinh thủ tục và chi phí không chính thức trên các lĩnh vực đầu tư, tín dụng, đất đai, bất động sản, nhà ở xã hội cũng như xây dựng quy hoạch để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, tập trung lãnh đạo tháo gỡ nút thắt nóng có sức lan tỏa cao để tạo động lực cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Nhất là tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thực chất, ổn định lâu dài thông qua các giải pháp kích thích, tiêu thụ hàng hóa nội địa, các giải pháp về tài khóa như kéo dài thời gian, giảm 2% thuế VAT, hỗ trợ giảm thuế suất, giảm thuế nhập khẩu, giảm các loại thuế, phí, lệ phí...", vị đại biểu nói.

Sớm giải quyết các vụ việc liên quan đến thị trường vốn, thị trường bất động sản

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) nêu quan điểm, cần quyết liệt thực hiện thành công các cơ chế chính sách tài khóa, tiền tệ và nhiều chính sách khác mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển.

Bên cạnh đó, vị đại biểu kiến nghị cần sớm giải quyết các vụ việc liên quan đến thị trường vốn, thị trường bất động sản vừa qua, nhằm khôi phục niềm tin nhà đầu tư và cũng là góp phần đa dạng dòng vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bên cạnh kênh dẫn vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)

Giải pháp tiếp theo, đại biểu cho là cần quyết liệt cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay, như về các thủ tục đất đai, định giá đất, giải phóng mặt bằng, hải quan, thuế. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm thiểu chi phí hành chính.

Đồng thời, bà cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm chủ lực trên địa bàn, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, như tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch thiết thực, hiệu quả hơn.

Có cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc

Góp ý về các nhóm giải pháp có tác động lớn tới tăng trưởng bền vững, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) kiến nghị Chính phủ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể 2 nhóm chính sách là: thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển doanh nhân dân tộc.

Đánh giá cao việc Chính phủ đang xây dựng nghị định về thu hút, trọng dụng nhân tài, ông Vân bày tỏ mong muốn nghị định sớm đi vào vận hành và sớm trở thành quy tắc ứng xử trong toàn xã hội.

Về doanh nhân dân tộc, ông Vân cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41 về doanh nhân nên mong muốn Quốc hội đưa một đoạn “hồn cốt” của Nghị quyết này vào Nghị quyết chung của kỳ họp.

Ông cũng đề nghị Chính phủ sớm có kế hoạch, biện pháp thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị. Trong đó, cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp thường xuyên đối thoại, hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp.

"Đặc biệt là bảo vệ tài sản hợp pháp của doanh nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế xử lý vi phạm và không hình sự hóa quan hệ kinh tế", ông Vân nói.

ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị đưa một đoạn "hồn cốt" của Nghị quyết 41 về phát triển đội ngũ doanh nhân vào Nghị quyết chung kỳ họp Quốc hội thứ 6.
ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị đưa một đoạn "hồn cốt" của Nghị quyết 41 về phát triển đội ngũ doanh nhân vào Nghị quyết chung kỳ họp Quốc hội thứ 6.

Về nhóm giải pháp cải cách thể chế, vị đại biểu đề nghị coi đây là một nguồn lực. Ông nhắc lại đề nghị sớm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế, coi đây là điểm đột phá quan trọng.

Trong thể chế, đặc biệt quan tâm 3 nhóm thể chế về kinh tế. Thứ nhất, xác lập bình đẳng trong việc phân phối nguồn lực xã hội, không kể công và tư; thứ hai là bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; thứ ba, giải quyết tốt quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

Một nhóm giải pháp khác cũng được đại biểu Cà Mau đề cập là việc sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Ông nhắc lại việc tại Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có khen Chính phủ, Thủ tướng về bài học kinh nghiệm là dồn sức, tập trung vốn cho các công trình trọng điểm.

"Bài học đó tôi muốn phát huy trong việc xử lý kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Có thể dùng toàn bộ tăng thu của các năm liên tiếp tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Cạnh đó, sau khi kết thúc chương trình mục tiêu quốc gia thì không nên tiếp tục nữa mà dành toàn bộ cho đầu tư phát triển", ông Vân kiến nghị.

Tin bài liên quan