Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương: "mua bán chức quyền xong rồi, thì đi vơ vét..."

(ĐTCK) “Con bệnh tham nhũng không tự uống thuốc đâu, mà phải bắt họ uống, thì mới hy vọng chống tham nhũng hiệu quả…”, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương thảo luận tại Quốc hội sáng nay (29/3).

Chạy chức đẻ ra tham nhũng

Theo ông Đương, dư luận râm ran tình trạng chạy chức, chạy quyền, hay đó là sự thật? Vì sao người ta chạy và do đâu họ chạy được? Đây là câu hỏi lớn, mà theo phản ánh của cử tri đến nay cơ quan chức năng chưa có lời giải đáp.

“Phải đánh giá xem có chạy chức, chạy quyền không? Tình trạng này không chỉ tạo ra bất công lớn, mà còn đẻ ra tham nhũng, vì mua bán chức quyền xong rồi, thì đi vơ vét để bù chi phí bỏ ra, đó là quy luật…”, ông Đương cho ý kiến, khi Quốc hội thảo luận ở hội trường sáng nay về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, ông đã nhiều lần đề xuất bổ sung vào Bộ Luật hình sự tội mua bán chức quyền, nhưng không được tiếp thu. Cử tri than phiền các ông nói nhiều quá, chẳng xoay chuyển tình hình. Cần có quyết sách tấn công tham nhũng.

“Ta cứ nói chuyện này nhạy cảm, phức tạp, nhưng như thế càng không được né tránh, mà phải có giải pháp mạnh. Chống tham nhũng không hiệu quả, giống như một cơ chể mang vi rút sẽ lây lan sang các cơ thể khác, rất nguy hiểm…”, ông Đương cảnh báo, đồng thời trăn trở, cuộc đời này còn nhiều người trong sạch. Nhưng có phải nước trong thì không có cá, người trong sạch không ai chơi, bị chê là quan hệ kém?

Ăn hết rồi lấy gì đầu tư?

Cho rằng chất lượng của độ ngũ, cán bộ công chức tuy có cải thiện, nhưng đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) quan ngại tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương còn đáng quan ngại. Điều này dẫn đến nhiều ách tắc trong giải quyết công việc, gây hậu quả xấu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

“Tình trạng né tránh trách nhiệm của cơ quan công quyền nổi lên ngày càng rõ. Cần khẩn trương có biện pháp xử lý nghiêm khắc để lấy lại niềm tin trong dân…”, bà Tuyết đề xuất.

Phải đánh giá xem có chạy chức, chạy quyền không? Tình trạng này không chỉ tạo ra bất công lớn, mà còn đẻ ra tham nhũng, vì mua bán chức quyền xong rồi, thì đi vơ vét để bù chi phí bỏ ra, đó là quy luật…

Quan ngại tình trạng càng cắt giảm biên chế, thì đội ngũ cán bộ, công chức càng phình to dẫn đến hậu quả như ông Đương chỉ ra là: cả nước chi cho trả lương gần 400.000 tỷ đồng/năm. Ăn hết rồi lấy đâu chi cho đầu tư phát triển? Ở đây có vấn đề là luật về tổ chức các cơ quan nhà nước dẫn đến đẻ thêm nhiều bộ máy. Riêng luật chính quyền địa phương làm tăng 22.000 biên chế hội đồng nhân dân các cấp.

“Theo báo cáo của các bộ, địa phương, chỉ khoảng 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiêm vụ, trong khi dư luận râm ran có tới 1/3 không hoàn thành nhiệm vụ, sáng cắp ô đi chiều cắp ô về…”, ông Đương đặt vấn đề, đồng thời đề xuất, để tinh giảm bộ máy cần nhất thể hóa chức danh đảng và chính quyền, để nói đi đôi với làm, tránh nói một đằng làm một nẻo.

“Không sợ tập trung quyền lực vào một người, chỉ sợ trốn trách trách nhiệm. Cần giảm bớt biên chế ở các tổ chức đoàn thể, hợp nhất các cán bộ trung gian, phong trào theo hướng phải làm mà ăn, đừng ăn bám nhà nước…”, ông Đương đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng đề nghị nhiệm kỳ tới Chính phủ cần quan tâm sắp xếp lại bộ máy với cơ cấu tổ chức hợp lý, nhiệm vụ rõ ràng.

“Vấn đề này lâu rồi chưa thấy bàn. Trên thực tế đang có sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của không ít bộ, ngành, chẳng hạn như giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông với Bộ Tài nguyên và Môi trường, giữa Bộ Giáo dục- Đào tạo với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội…”, ông Phúc nói.

Tin bài liên quan