Chiều 23/10, Quốc hội nghe Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Cần lập quỹ bảo tồn di sản văn hoá để có thêm kinh phí tu bổ di tích
Ủng hộ đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hoá, đại biểu Quốc hội - Thượng tọa Thích Đức Thiện (Nguyễn Tiến Thiện) (đoàn Điện Biên) cho rằng, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện nay có khoảng hơn 40.000 di tích vật thể các loại, hơn 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu, đây là niềm tự hào dân tộc, vừa là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã luôn chú trọng và có những chính sách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với yêu cầu thực tế đặt ra.
Trong khi đó, đại biểu nêu, trải qua thời gian, hiện nay có rất nhiều di tích, di sản đang xuống cấp một cách trầm trọng, đang bị mai một, thất truyền ở các địa phương vì không có kinh phí tu bổ và duy trì.
Cần tham khảo một số quốc gia về việc miễn giảm các khoản thuế, phí cho những doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp cho các khoản phục hồi, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa; mua, đưa di vật cổ vật, bảo vật quốc gia từ nước ngoài về nước trong chiến lược phục hưng cổ vật.
ĐBQH- Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên)
Từ đó, ông Thiện cho rằng, để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa phát huy hiệu quả, Chính phủ cần có những cơ chế đặc thù, có chính sách phù hợp, tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi xứng đáng với tâm huyết, công sức tham gia phục hồi, tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa.
Cần tham khảo một số quốc gia về việc miễn giảm các khoản thuế, phí cho những doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp cho các khoản phục hồi, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa; mua, đưa di vật cổ vật, bảo vật quốc gia từ nước ngoài về nước trong chiến lược phục hưng cổ vật.
Ngoài ra, nếu Quỹ bảo tồn di sản văn hóa phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, với các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong việc thực hiện quy trình trùng tu tôn tạo bảo đảm phục hồi tối đa các giá trị gốc của di tích, thuận lợi trong việc cấp phép xây dựng các công trình tu bổ di tích và việc quản lý, điều hành, sử dụng, phân phối quỹ đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, chi tiết cụ thể sẽ tạo niềm tin cho các nhà tài trợ quỹ và sẽ thu hút được nguồn lực ủng hộ mạnh mẽ đóng góp cho quỹ.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, phải thành lập quỹ để bảo tồn và phát triển di sản, di tích. Đại biểu cho biết, ông đã đến làng Trường Lưu của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) và đến thăm 3 di sản thế giới được dòng họ Nguyễn Huy lưu lại tại nhà của bác Nguyễn Huy Mỹ ở làng Trường Lưu (Hà Tĩnh) và thấy dòng họ này đã lưu giữ một tài sản vô cùng quý giá của đất nước, 3 di sản được UNESCO ghi danh.
Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) |
"Tuy nhiên, do điều kiện về cơ sở vật chất của gia đình một dòng họ còn rất hạn chế, có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc bảo quản những tài sản vô giá này. Nếu để sử dụng ngân sách để đầu tư vào chỗ này rất khó vì đó là gia đình, dòng họ; cho nên, việc có một quỹ để sử dụng vào trong những tình huống như thế này là cần thiết", ông Gia nói.
Cần cân nhắc việc có thêm quỹ, tránh phân tán nguồn lực
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nên cân nhắc về việc thành lập quỹ này. Vị đại biểu dẫn chứng, hiện nay, chúng ta thành lập rất nhiều quỹ. Vừa rồi, các Ủy ban của Quốc hội tham gia đi giám sát một số quỹ tài chính ngoài ngân sách thấy hoạt động không hiệu quả và đã có ý kiến rằng chúng ta nên giảm số lượng quỹ. Tuy nhiên, thời gian qua những cơ quan trình dự thảo luật phần lớn đều có đề nghị thành lập quỹ và được Quốc hội chấp nhận. Như vậy, chúng ta không giảm quỹ mà là tăng quỹ ngân sách ngoài nhà nước.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) |
Mặc dù các quỹ này không phải ngân sách của nhà nước mà là huy động của toàn dân nhưng theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, huy động của toàn dân cũng là nguồn lực của xã hội, mà nguồn lực của xã hội cho nên cần tập trung, tránh phân tán nguồn lực.
"Vừa rồi, chúng ta cho rằng Huế là một di tích lịch sử đặc biệt cần thiết phải có quỹ bảo tồn, nhưng đây là thành lập quỹ bảo tồn trong cả nước thì có nên hay không? Tôi đề nghị Thường vụ Quốc hội nên cân nhắc", đại biểu đề nghị.
Liên quan đến vấn đề này, tại điểm b khoản 5 Điều 92 của dự thảo Luật có quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa các địa phương. Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, cần phải xem xét, cân nhắc kỹ vấn đề này.
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) |
Theo đại biểu, việc hình thành quỹ ở địa phương có thể nói rất khó khăn và không phải đơn vị nào cũng có thể xây dựng được quỹ này; giả sử có xây dựng được thì để đáp ứng yêu cầu trong việc bảo tồn các di tích là cũng rất khó khăn.
"Việc sử dụng Quỹ bảo tồn ở địa phương theo cá nhân tôi nghĩ sẽ không hiệu quả và tôi đề xuất rằng nên để việc thành lập quỹ ở trung ương, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập và quản lý quỹ này là phù hợp", ông Hải đề nghị.
Cùng quan điểm về việc cân nhắc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hoá, đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) có phát biểu tranh luận với đại biểu Thích Đức Thiện và đại biểu Trần Đình Gia, Đoàn Hà Tĩnh.
Theo bà Chinh, trong tờ trình của Chính phủ có báo cáo về kinh nghiệm trong việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế; tuy nhiên, trong cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế thì Quỹ bảo tồn di sản của Thừa Thiên Huế được sử dụng các nguồn ngân sách của các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế và không sử dụng ngân sách của địa phương.
Sau 3 năm thực hiện, cho đến thời điểm hiện tại, nguồn thu của quỹ mới được hơn 8 tỷ đồng, cũng rất khó khăn trong triển khai thực hiện. Nguồn thu ở đây là nguồn viện trợ và các tài trợ khác.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) |
Về nhiệm vụ chi, trong 4 nhiệm vụ chi được quy định tại Điều 92 của dự thảo Luật thì có 3 nhiệm vụ có thể được chi từ nguồn ngân sách nhà nước và đã có nhiệm vụ có thể được thể hiện tại Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Chính vì vậy, theo đại biểu, sẽ trùng với nhiệm vụ chi từ ngân sách nhà nước và trùng với nhiệm vụ chi của trước 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thúy Chinh cũng cho rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa đặt ra từ yêu cầu thực tiễn cũng sẽ dẫn đến nhiều rủi ro: phân tán về nguồn lực của ngân sách nhà nước, không đảm bảo nguyên tắc là một tài liệu duy nhất về ngân sách nhà nước và có những khó khăn khi triển khai tổ chức thực hiện.
"Khi nguồn lực của chúng ta không được thể hiện một cách rõ ràng, sẽ rất khó có thể tổ chức thực hiện được. Đặc biệt, đối với các địa phương, việc thành lập, duy trì và quản lý vận hành các quỹ này sẽ vô cùng khó khăn", đại biểu nhấn mạnh.
Thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội ghi nhận các ý kiến khác nhau về nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội |
Ông Vinh nói rằng, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất phương án có quỹ bảo tồn di sản văn hoá trên cơ sở đây là các nguồn tài trợ, các nguồn hiến tặng.
"Chúng tôi nghĩ rằng cơ chế quỹ này sẽ giúp cho chúng ta huy động thêm các nguồn lực. Còn trong luật đã quy định là không nhất thiết địa phương nào cũng phải thành lập quỹ, tùy điều kiện, các địa phương thấy có điều kiện thì thành lập, còn các địa phương thấy không cần thì cũng không nhất thiết phải thành lập", ông Vinh nói.
Dự thảo luật Di sản văn hoá (sửa đổi) đã được trình Quốc hội và bàn thảo lần đầu ở Kỳ họp thứ 7 (với 122 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường, có 2 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản) và dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan.