“Lạm phát cấp phó”
Đại biểu, Thiếu tướng Trần Đình Nhã (Thừa Thiên – Huế) đề nghị Quốc hội phải có biện pháp hạn chế tình trạng “lạm pháp cấp phó” trong các cơ quan hưởng ngân sách.
Đại biểu nêu theo thống kê chưa đầy đủ cả nước có 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp. Tính ra có khoảng 139.000 cấp trưởng và gấp 2 – 3 – 4 lần cấp phó, có cơ quan có 5 - 6, 7 - 8 cấp phó.
Có cơ quan cấp cục có 4 phòng, tương ứng có 4 trưởng phòng lại bố trí những 4 cục phó, có lẽ thừa cục phó hoặc thừa 4 trưởng phòng.
Cùng với số lượng cấp phố, chi ngân sách tăng lên. Cứ tính mỗi cấp phó hàng năm ngân sách chi thêm khoảng 30 triệu đồng phụ cấp chức vụ, diện tích phòng làm việc, điện, nước… thì chỉ với 139.000 cấp phó đã phải chi hơn 4.000 tỷ đồng.
Nếu số lượng cấp phó gấp 2, 3, 4 thì chi còn gấp nhiều lần nữa.
Đưa thu cổ phần hóa vào ngân sách
Đại biểu Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách nhấn mạnh tình trạng người nộp thuế lợi dụng cơ chế tự in hóa đơn, tự tính, tự kê khai, tự nộp thuế. Từ đó, kê khai không đúng số thuế giả mạo hồ sơ giấy tờ, mua bán hóa đơn chiếm đoạt tiền thuế.
Có nhiều trường hợp thành lập doanh nghiệp, thuê người làm giám đốc, không có trụ sở cố định, hoạt động buôn lậu, trốn thuế, dây dưa không nộp thuế sau đó giải thể rồi tiếp tục thành lập doanh nghiệp khác nhưng pháp luật chưa có chế tài.
Quốc hội có nhiều chính sách miễn giảm thuế nhưng một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng chính sách này dây dưa nộp thuế. Nợ đọng thuế 8 tháng đầu năm lên tới 10% tổng thu ngân sách, cao hơn rất nhiều so với quy định quản lý thuế là 3 – 5%.
Nhiều địa phương nợ đến trên 20%. Nếu kéo dài thất thu tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp
Do đó, về thu ngân sách 2015, đại biểu Đinh Trịnh Hải nhất trí với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu 100% cổ tức của doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thu một phần lợi nhuận của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi đã trích lập các quỹ.
Đây là lợi nhuận mang lại do đầu tư vốn nhà nước, nếu không thu không khuyến khích đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Đề nghị bổ sung quy định vào Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đang được soạn thảo.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thuế…
Nợ công: Lo nhất là lãng phí
Nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục có ý kiến về nợ công. Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, nợ công chưa được báo cáo hết, một số khoản nợ chưa được tính như nợ cấp bù lãi suất, nợ quỹ hoàn thuế, nợ BHXH… Nếu tính đủ số nợ công sẽ tăng lên bao nhiêu, cần phải có con số đầy đủ.
Theo Luật Quản lý nợ công, nợ của doanh nghiệp nhà nước không phải tính vào nợ công nhưng nó có liên quan đến trách nhiệm nhà nước và có liên quan an ninh tài chính quốc gia.
“Chúng ta còn nhớ câu chuyện 86 nghìn tỷ đồng của Vinashin, nhà nước vẫn phải có trách nhiệm” – đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nói.
Nhưng đáng ngại nhất là hiệu quả sử dụng vốn vay. Tiền vay về đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội nhưng chúng ta cũng lo lắng, xót ruột với việc sử dụng vốn vay nhiều việc, nhiều nơi có tình trạng lãng phí thất thoát.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nêu trường hợp ký túc xá sinh viên có mức đầu tư 1.082 tỷ đồng ở Đà Lạt, Lâm Đồng nhưng 1 sinh viên đến ở. Lý do là vì trường gần nhất cách đó 5km và đường đi vô cùng gập gềnh khó khăn.
Hơn 1.000 tỷ cho 1 sinh viên đến ở là điển hình của sự lãng phí.
Chỉ tính riêng 5 dự án của năm 2012 mà Chính phủ trả thay doanh nghiệp, trong đó có 3 dự án xi măng ở Đồng Bành, Thái Nguyên và Hạ Long, đã là hơn 1.200 tỷ đồng.
Còn Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Nợ công lo nhất là khoản vay sử dụng không hiệu quả, thất thoát. Chúng ta phải làm sao để người dân tin rằng vay về là để sử dụng, đầu tư cho có hiệu quả”.
Từ thực trạng đó, ý kiến đại biểu đề nghị đánh giá đúng tình hình nợ công, bổ sung các khoản nợ chưa tính.
Đồng thời, giao Bộ Tài chính và bộ ngành liên quan để rà soát thống kê chính xác nợ doanh nghiệp nhà nước xem xét sự ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.
“Đề nghị cân nhắc kỹ khi quyết định các siêu dự án, như dự án sân bay Long Thành. Chúng ta tính 100 triệu hành khách, số này chỉ nhằm hàng khách quốc tế trung chuyển nhưng còn những sân bay quanh chúng ta họ có thương hiệu, gá rẻ, dịch vụ thì liệu hành khách có lựa chọn sân bay Long Thành không” – đại biểu Hùng nói.
Đại biểu Hùng cũng đề nghị tăng cường vai trò kiểm toán nhà nước và phải bắt buộc kiểm toán nợ công.
Nhưng theo đại biểu Trần Đình Nhã, tuy cần tiết kiệm chi nhưng khoản cần chi vẫn phải chi. Chẳng hạn như không có kinh phí cho công tác giám định kế toán, tài chính, xây dựng… làm ảnh hưởng tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, làm số tiền tham nhũng dễ bốc hơi, thậm chí làm cả vụ án “bốc hơi”.
Do đó, đề nghị nếu dự toán ngân sách chưa đưa vào dự toán thì có lẽ nên bổ sung 50 – 70 tỷ đồng cho công tác giám đinh. Hoặc có thể lấy từ nguồn thu hồi tài sản tham nhũng - dù mới thu hồi khoảng 10% nhưng cũng ngót nghét 1.000 tỷ đồng – để chi cho công tác giám định tìm và củng cố chứng cứ chứng minh tham nhũng.
Mọi dự luật phải đánh giá tác động đến ngân sách Đại biểu Trần Đình Nhã đề nghị mọi báo cáo thẩm tra của Quốc hội đều phải đánh giá tác động đến ngân sách để Quốc hội cân nhắc tính toán. Chẳng hạn, nhiều luật như Luậ tổ chức tòa án, Viện kiểm sát… không rõ sự thay đổi bộ máy có làm tăng hay giảm chi cho bộ máy ra sao. Hiện đa số các báo cáo thẩm tra dự luật không có mục này hoặc nêu rất sơ lược. |