Trước đó, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bào Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 đã nêu bật những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội năm 2016 cũng như những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.
Theo báo cáo, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên. Các trung tâm kinh tế lớn tiếp tục phát huy vai trò đầu tầu tăng trưởng, làm động lực phát triển của các vùng và cả nước; nhiều địa phương khó khăn đã nỗ lực vươn lên.
"Năm 2017 GDP tăng 6,7% nhưng Chính phủ đề nghị phê duyệt nợ công 65% là không quyết tâm, vì vậy đề nghị đến 2020 nợ công tối đa là 60-63% GDP"
- Nguyễn Hữu Cầu
(Đoàn Nghệ An).
Báo cáo của Chính phủ cũng xác định rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cụ thể là: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên. Xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương. Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho biết, tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn cảng biển, sân bay (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn TP. Đà Nẵng) nhận xét, trong thời gian qua, Chính phủ đã có sự vào cuộc rõ ràng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 được cộng đồng doanh nghiệp và quốc tế đánh giá cao, tạo ra môi trường mới cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các chính sách tháo gỡ khó khăn ở nhiều cấp, nhiều ngành còn mang tính chất đối phó. Thu hút đầu tư của các địa phương mang tính chất chạy đua, thi nhau trải thảm đỏ, hầu như tỉnh nào cũng có sân bay hoặc cảng biển khiến không phát huy được thế mạnh của từng vùng, đầu tư hiệu quả không cao.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng rất nỗ lực nhưng tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu không đạt kế hoạch, thu ngân sách gặp khó khăn cần phải suy ngẫm để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.
"Tôi rất ấn tượng với một Chính phủ liêm chính, phục vụ, kiến tạo", Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
Tuy nhiên, theo Đại biểu này, vấn đề nợ công cao, lãng phí, thất thoát là những vấn đề khiến cử tri hết sức lo ngại.
"Năm 2017 GDP tăng 6,7% nhưng Chính phủ đề nghị phê duyệt nợ công 65% là không quyết tâm, vì vậy đề nghị đến 2020 nợ công tối đa là 60-63% GDP. Tôi vô cùng lo lắng về 4 nhà máy lỗ 7.300 tỷ đồng (Xơ sợi, Đạm, Ethanol và Bột giấy). Riêng Thép Thái Nguyên giai đoạn 1 đã đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Cần phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này", Đại biểu này đề xuất.
"Dù nợ công chạm trần hay vượt trần thì vẫn phải đầu tư cho giáo dục bằng 20% tổng chi ngân sách hàng năm và không được cắt giảm các khoản đầu tư cho giáo dục"
- Đại biểu Triệu Thế Hùng
(Đoàn Lâm Đồng).
Đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa) cũng nhận xét rằng, nỗ lực, quyết tâm điều hành của Chính phủ được người dân và doanh nghiệp đánh giá rất cao.
"Cử tri rất mong muốn lời nói đi đôi với việc làm, Chính phủ cần hành động quyết liệt hơn nữa", Đại biểu Cao Thị Xuân phát biểu.
Còn đại biểu Lê Công Đỉnh (Đoàn Long An) đã đề xuất Chính phủ cần quan tâm hơn nông nghiệp công nghệ cao.
"Hiện nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhưng vẫn còn băn khoăn vì rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, còn người dân cũng không muốn nhượng lại quyền sử dụng đất, vì đó là tài sản lớn của họ. Ở đây, vấn đề khó khăn là chính sách thay đổi, như khi doanh nghiệp tích tụ được ruộng đất để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch thì ít lâu sau tỉnh lại cấp phép KCN liền kề đó thì doanh nghiệp phá sản", đại biểu Lê Công Đỉnh nêu thực trạng.
Vị đại biểu này dẫn chứng câu chuyện làm nông nghiệp công nghệ cao ở Israel, Thái Lan và đề xuất Chính phủ sớm triển khai chính sách tích tụ ruộng đất, khuyến khích người dân tự nguyện liên kết để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có chính sách lãi suất, hỗ trợ vay vốn hợp lý...
Đại biểu Triệu Thế Hùng (Đoàn Lâm Đồng) cũng đánh giá rất cao nỗ lực điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới và đề xuất rằng Chính phủ cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục vởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, đi trước một bước.
"Dù nợ công chạm trần hay vượt trần thì vẫn phải đầu tư cho giáo dục bằng 20% tổng chi ngân sách hàng năm và không được cắt giảm các khoản đầu tư cho giáo dục. Công tác đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục là khâu đột phá. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ, lương thưởng cho đội ngũ giáo viên và lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bảng lương", ông Hùng đề xuất.