Đại biểu Hoàng Văn Cường: Còn dư địa để hỗ trợ tài khoá cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định tăng lãi suất là biện pháp bắt buộc phải lựa chọn trong lúc này nhằm "ghìm cương" lạm phát và ổn định tỷ giá, song ông Cường gợi ý rằng, có thể đẩy mạnh công cụ tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp vì dư địa chính sách vẫn còn.

Quốc hội đã dành hai ngày 27 và 28/10 để thảo luận trên hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2023. Nhiều ý kiến đại biểu quan tâm thảo luận các vấn đề về điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá; thu chi ngân sách; hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế hồi phục sau đại dịch...

Bên hành lang Quốc hội sáng 28/10, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Đầu tư Chứng khoán về động thái tăng lãi suất mới đây của Ngân hàng Nhà nước và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh lãi suất tăng cao.

ĐBQH Hoàng Văn Cường trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội (ảnh: M.Minh)

ĐBQH Hoàng Văn Cường trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội (ảnh: M.Minh)

Ông bình luận thế nào về động thái tăng lãi suất điều hành lần thứ hai của Ngân hàng Nhà nước hôm 24/10?

Lạm phát và tỷ giá là hai yếu tố quyết định đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Nếu lạm phát tăng cao, nhà đầu tư không được hưởng lợi vì bỏ tiền đầu tư mà tiền mất giá trị thì người ta không đầu tư nữa; từ đó sản xuất bị thu hẹp lại, ảnh hưởng ngay đến tăng trưởng, phát triển và ổn định nền kinh tế.

Nếu tỷ giá quá chênh lệch, đồng nội tệ mất giá quá nhiều so với ngoại tệ, nghĩa vụ trả nợ bằng đồng ngoại tệ của Chính phủ tăng lên, doanh nghiệp nhập khẩu thêm gánh nặng chi phí, doanh nghiệp xuất khẩu tuy được hưởng lợi về giá bán nhưng lại thiệt hại vì các nước nhập khẩu sẽ thắt chặt chi tiêu... Việt Nam là đất nước có quan hệ xuất nhập khẩu với nhiều nước nên chịu ảnh hưởng lớn khi đồng USD tăng giá.

Để khắc phục vấn đề này, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường bán USD nhưng biện pháp này không thể áp dụng lâu dài vì không đủ ngoại tệ dự trữ để bán. Trong trường hợp đó, chúng ta buộc phải nâng giá đồng tiền của mình lên bằng cách tăng lãi suất. Tăng lãi suất ở thời điểm hiện tại là biện pháp để ổn định tỷ giá và hạn chế lạm phát, như các nước thế giới đang làm. Theo tôi , đây là điều cần thiết.

Nhưng lãi suất tăng đang trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp, trong bối cảnh nền sản xuất mới phục hồi, sức chống chịu của doanh nghiệp còn yếu. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát trên thế giới tăng cao, Việt Nam lại là nước có quan hệ xuất nhập khẩu lớn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng, doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng.

Khi nền sản xuất trong nước mới phục hồi, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, doanh nghiệp lại phải trả lãi suất vốn cao có thể dẫn đến nguy cơ đình trệ sản xuất.

Tuy nhiên, những biện pháp chúng ta đang làm đều hướng đến mục tiêu đầu tiên là ổn định nền kinh tế, lạm phát và tỷ giá có ổn định thì sản xuất mới ổn định, các cân đối khác của nền kinh tế mới được đảm bảo.

Tôi cho rằng, Việt Nam đã rất thành công trong điều hành chính sách hai năm qua. Chúng ta đã không vội vàng thực hiện những chính sách giật cục mà tạo ra sự thích ứng dần dần. Những biện pháp điều hành tiền tệ cũng thế, tôi tin rằng chúng ta sẽ không tạo ra những chính sách điều hành, giật cục, tạo nên những cú sốc đối với nền kinh tế.

Vậy theo ông, chúng ta nên có giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới?

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng giãn, hoãn các nghĩa vụ thuế, phí. Hiệu quả của nhóm chính sách này là đã giúp làm giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong thời gian qua.

Đặc biệt, Nghị quyết 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế 2022-2023 cho phép dùng ngân sách hỗ trợ 2% lãi suất tiền vay cho những nhóm ngành được ưu tiên hướng vào mục tiêu phục hồi kinh tế. Tôi cho rằng đây cũng là những chính sách làm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong môi trường lãi suất tăng.

Nhưng chính sách cấp bù lãi suất 2% ông vừa nói đã được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là hiệu quả chưa cao, giải ngân chậm. Theo ông có bổ sung biện pháp tài khoá để sự hỗ trợ được nhanh hơn, thiết thực hơn hay không?

Hiện nay chúng ta vẫn đang chủ trương tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các biện pháp tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn thuế, phí, cấp bù lãi suất.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, tôi cho rằng chính sách tài khoá đang có một thuận lợi là chúng ta đang duy trì được mức nợ công khá thấp, khoảng 43 – 44% GDP, so với trần cho phép là 60% GDP.

Như vậy, chúng ta đang còn dư địa để sử dụng bội chi nhiều hơn, nghĩa là hướng đến không thu nhiều của doanh nghiệp mà ngược lại vẫn còn ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Chính sách tài khoá vẫn là cốt yếu cho điều hành nền kinh tế và ổn định vĩ mô hiện tại.

Chính sách tài khoá vẫn là cốt yếu cho điều hành nền kinh tế và ổn định vĩ mô hiện tại.

(ĐBQH Hoàng Văn Cường)

Theo ông, chúng ta nên tăng lãi suất đến mức nào rồi hạ dần?

Hiện nay, rất khó nói rằng liệu lãi suất tăng đến đâu thì hạ xuống. Điều đó rất khó để đánh giá mà phải phụ thuộc vào quan hệ thị trường.

Chúng ta phải xem xét đồng tiền chúng ta đang vận hành ra sao, tham gia vào quan hệ xuất nhập khẩu đang biến động như thế nào. Chúng ta không thể giữ giá đồng tiền mình không biến động trong khi các đồng tiền khác tăng giá. Phải chấp nhận mất giá đồng tiền ở một giới hạn nào đó, nhưng phải cân nhắc, nếu đồng tiền mất giá quá thì nhà đầu tư, người dân bị ảnh hưởng.

Chúng ta cũng phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát ở một mức độ nhất định, không thể giữ yên tỷ lệ lạm phát trong khi lạm phát thế giới tăng cao. Nhưng phải cân nhắc, nếu để lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh.

Phải căn cứ vào thị trường thế giới để điều hành chính sách trong nước. Khi nào đồng tiền thế giới không tăng giá nữa, FED không nâng lãi suất nữa, cung cầu tiền tệ ổn định, không nhất thiết phải thu hút tiền nhàn rỗi trong dân, thì chúng ta có thể giảm dần lãi suất xuống.

Mặc dù tăng lãi suất sẽ hạn chế được dòng tiền vào lĩnh vực đầu cơ và đầu tư chậm, không mang lại kết quả ngay, nhưng tôi vẫn nhấn mạnh rằng tăng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và quá trình phục hồi.

Ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, áp dụng từ 25/10. Theo đó, trần tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm... đồng loạt tăng 0,5 - 1%/năm.

Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành trong vòng một tháng qua. Lần trước đó vào ngày 23/9.

Trên thế giới, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3 - 3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Bên cạnh đó, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Ngay sau động thái nâng lãi suất của nhà điều hành, cuộc đua huy động tiền gửi tiếp tục tăng nhiệt tuần qua khi nhiều ngân hàng nâng lãi suất lên các mức cao mới, trung bình 8 - 9%/năm.

Tin bài liên quan