ĐBQH Hoàng văn Cường trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 30/5 (ảnh: M.M)
Hiểu đúng về quy hoạch tích hợp “2 xuống 1 lên”
Chiều 30/5, tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2019), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chỉ ra những nguyên nhân khiến công tác quy hoạch chậm trễ thời gian qua.
Theo đại biểu Cường, nguyên nhân chậm quy hoạch không phải hoàn toàn do khiếm khuyết của Luật Quy hoạch mà do chúng ta đã hiểu chưa đúng về cách thức triển khai quy hoạch tích hợp nên còn lúng túng, thậm chí là còn chỉ đạo làm sai lệch bản chất của Luật Quy hoạch theo phương thức tích hợp vốn dĩ còn mới mẻ.
Việc tích hợp quy hoạch tạo cơ chế để tăng hiệu lực điều phối của Nhà nước, buộc các ngành phải chia sẻ dữ liệu, hình thành một hệ thống thông tin chung về quy hoạch nhằm khai thác các nguồn lực một cách thống nhất, công khai, minh bạch, xóa bỏ tình trạng cát cứ trong quy hoạch.
ĐBQH Hoàng Văn Cường
Vì sao quy hoạch chậm? Vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh, nếu như phải điều chỉnh thì ai chịu chi phí bồi thường cho nhà đầu tư? Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch của ngành vừa mới được phê duyệt rất công phu, nay các tỉnh lập quy hoạch lại thấy những chỉ tiêu đó không phù hợp?...
Đây là những vấn đề ông Cường cho là "điểm nghẽn" do chưa hiểu đúng về quy hoạch tích hợp.
"Quy hoạch tích hợp không phải đơn thuần chỉ là việc ghép nội dung từ nhiều quy hoạch riêng lẻ thành một bản quy hoạch chung. Trái lại, các nội dung và chỉ tiêu trong quy hoạch tích hợp phải được liên kết với nhau theo cả chiều dọc, tức là từ cấp trên, cấp dưới và theo chiều ngang là theo không gian lãnh thổ", ĐBQH đoàn Hà Nội nói.
Giải thích rõ hơn, vị đại biểu cho rằng, để liên kết và thống nhất được các chỉ tiêu quy hoạch theo cả chiều dọc và chiều ngang thì quá trình xây dựng quy hoạch phải tiến hành đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương để cùng đặt các phương án quy hoạch lên bàn, cùng trao đổi, thảo luận và đi đến một phương án chung thống nhất.
Muốn vậy, việc trao đổi thông tin quy hoạch giữa các cấp thực hiện phải theo chu trình "2 xuống 1 lên", tuần tự theo 3 bước như sau:
Bước 1 (xuống): Giao chỉ tiêu định hướng từ trên xuống. Dựa vào chiến lược phát triển quốc gia sẽ dự thảo ra các chỉ tiêu quy hoạch quốc gia sau đó phân bổ chỉ tiêu, hướng dẫn cho các ngành và các vùng. Các ngành, các vùng sẽ cân đối nguồn lực của mình để điều chỉnh và giao chỉ tiêu hướng dẫn xuống tỉnh.
Bước 2 (lên): Tổng hợp thông tin báo cáo từ dưới lên. Các tỉnh dựa vào các chỉ tiêu hướng dẫn sẽ cân đối nguồn lực để hình thành nên các chỉ tiêu dự kiến của tỉnh mình, báo cáo lên ngành và vùng, ngành và vùng tổng hợp lại, cân đối để báo cáo lên cấp quốc gia.
Bước 3 (xuống): Giao chỉ tiêu kế hoạch. Cấp quốc gia tổng hợp các chỉ tiêu báo cáo của vùng và ngành, ấn định thành chỉ tiêu quy hoạch quốc gia, sau đó phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, thông báo cho các ngành, các vùng. Các vùng, các ngành sẽ cân đối và hình thành nên chỉ tiêu quy hoạch của ngành, của vùng và sẽ thông báo chỉ tiêu quy hoạch cho các tỉnh. Cuối cùng là các tỉnh sẽ ấn định chỉ tiêu quy hoạch của tỉnh mình.
Theo ông Cường, hiện nay không có điều luật nào quy định quy hoạch nào lập trước, quy hoạch nào lập sau; do đó các cơ quan chức năng làm quy hoạch ở các bộ, ngành, trung ương đã bỏ nhiệm vụ xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng để đổ xô xuống làm tư vấn quy hoạch cho các tỉnh.
"Tôi e rằng, quy hoạch các tỉnh được duyệt trước, đến khi xây dựng quy hoạch các vùng chỉ là phép cộng cơ học. Các phương án quy hoạch của các tỉnh trong vùng lại với nhau và quy hoạch quốc gia lại là phương án cộng cơ học quy hoạch của các vùng. Điều này sẽ làm trái ngược hoàn toàn với nguyên tắc của quy hoạch là cấp dưới tuân thủ cấp trên", ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, việc triển khai quy hoạch chậm còn do quy định về việc lựa chọn tư vấn quy hoạch chưa phù hợp, không huy động được đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học tham gia vào quá trình lập quy hoạch. Việc quy định đấu thầu lựa chọn các đơn vị tư vấn chỉ làm mất thêm thời gian và tiêu tốn kinh phí...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ ưu tiên phấn đấu hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022. (Ảnh minh hoạ) |
Trên cơ sở đó, vị đại biểu đề nghị cần phải điều chỉnh cả Luật Quy hoạch lẫn công tác chỉ đạo điều hành. Cụ thể là, sửa đổi những quy định về lựa chọn đơn vị tư vấn, phải chỉ đạo để tiến hành triển khai quy hoạch đồng thời ở tất cả các cấp, các đơn vị chức năng thuộc trung ương sẽ thực hiện đảm nhận các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Các đơn vị tư vấn ở địa phương sẽ thực hiện đồng loạt quy hoạch của địa phương. Phải tăng cường các hoạt động phối hợp thông tin giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong quá trình xây dựng kế hoạch.
"Nếu làm như thế, tôi cho rằng tối đa không quá 2 năm tất cả các quy hoạch đều sẽ được thực hiện", ông Cường khẳng định.
Gắn trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội chiều 30/5, ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu quan điểm, quy hoạch là định hướng để thu hút đầu tư do đó quy hoạch bao giờ cũng phải đi trước một bước. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế nhưng quy hoạch mới chưa có.
Luật hiện tại đã có quy định, trong khi chưa có quy hoạch mới thì được kéo dài quy hoạch cũ. Tuy vậy, nhiều dự án đầu tư không có trong quy hoạch cũ thì phải nằm đấy chờ quy hoạch mới. Rồi những quy hoạch cũ không phù hợp với chiến lược phát triển mới cần phải thay đổi, nhưng trong thời gian chưa có quy hoạch mới thì cũng chưa điều chỉnh được.
"Chậm quy hoạch đang là một yếu tố làm cản trở đầu tư, nhất là giai đoạn cần thu hút đầu tư để phục hồi", ông Cường lưu ý.
Có một số điểm chưa quy định trong luật nào hoặc một số quy định của Luật Quy hoạch chồng chéo với luật khác, tôi đề nghị cho phép cơ quan thực thi được lựa chọn phương án nào đạt hiệu quả cao nhất chứ không nhất thiết phải ngồi chờ sửa tất cả các luật mới bắt tay vào làm.
ĐBQH Hoàng Văn Cường
Nói về trách nhiệm, ông Cường nói rằng, đối với các tỉnh, các ngành các cấp có chức năng tổ chức thực hiện phải xem lại công tác chỉ đạo triển khai đã quyết liệt chưa, quy hoạch tích hợp yêu cầu phải triển khai đồng bộ đã đồng bộ chưa... để từ đó thực hiện cho đúng.
Quan trọng nhất hiện nay là phải ngồi lại suy nghĩ về quy hoạch tích hợp. Thay đổi phương thức thực hiện là cách quan trọng nhất để đưa ra quy hoạch dài hạn ít phải sửa chữa.
Cuối cùng, ông Cường nói đến vai trò của Quốc hội về hậu giám sát để công tác quy hoạch được thực hiện tốt nhất.
"Chúng ta thấy vai trò của đợt giám sát này rất tích cực, nó phát hiện rất kịp thời những điểm vướng mắc của luật cần sửa đổi, đồng thời thúc đẩy ngay việc gỡ vướng trong quá trình triển khai.
Tuy nhiên, nếu chỉ ra được giải pháp thực hiện mà không có hậu giám sát thì sẽ không biết các giải pháp đề ra có phù hợp hay không và không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng giám sát xong để đấy, như thế giám sát không còn ý nghĩa. Hậu giám sát giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề vướng mắc triệt để, đảm bảo giám sát đến cùng", ông Cường khuyến nghị.