Thưa ông, hiện nhiều DN thiếu niềm tin kinh doanh khi ranh giới an toàn về pháp lý còn thiếu rõ ràng?
Chúng ta quản lý xã hội bằng luật pháp, bằng cơ chế, tổ chức. Ở những nước đã phát triển, họ có hệ thống luật pháp chặt chẽ, nhìn vào đó DN biết mình làm gì, kinh doanh gì, có quyền làm mọi việc pháp luật không cấm. Những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì được quy định rõ, hội đủ điều kiện thì kinh doanh mà pháp luật không thể chế tài.
Nước ta đang trong quá trình đổi mới, đang xây dựng, hoàn thiện các quan hệ: xã hội, sản xuất, kinh tế, nên luật pháp dường như đi sau. Cuộc sống thì luôn có cái mới, nhất là trong điều kiện hội nhập có rất nhiều cái mới. Luật đi sau, thứ nhất là chưa được kịp thời ban hành, điều chỉnh quan hệ đó, thứ hai là có thể quá lạc hậu, thứ ba là chồng chéo. Nếu chỉ đọc luật này mà không đọc luật kia thì vướng. Thế nên lo ngại của DN là có cơ sở.
Nhưng bất kỳ DN nào làm ăn chân chính, chỉ cần quán triệt hành vi kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, không vì lợi ích cá nhân gây thiệt hại cho người khác, cho Nhà nước. Nếu trong điều kiện luật pháp tổng thể còn chưa rõ mà hành vi kinh doanh của anh gây thiệt hại cho người khác thì rõ ràng việc xem xét truy cứu trách nhiệm là có cơ sở.
Nhưng thưa ông, nhiều quy định không được hướng dẫn kịp thời làm cho DN rất khó hành xử, đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí là rủi ro chịu trách nhiệm hình sự?
Việc này các đại biểu đã nói rất nhiều. Nhiều luật không đi vào thực tế cuộc sống, không trực tiếp điều chỉnh quan hệ xã hội. Trong khi các quan hệ xã hội cần đong đếm cụ thể. Nhưng thực tế là ban hành văn bản hướng dẫn quá chậm, nên không kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh, xử lý hành vi vi phạm luật. Đó là điều đáng lo ngại.
Đó là trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp ban hành thể chế, thiết chế kinh tế. Không có luật, một là người ta không dám làm hoặc là làm sai, nảy sinh nhiều tranh chấp trong xã hội, cuối cùng phải đến tòa án và đặc biệt gây thiệt hại quan hệ xã hội, gây thiệt hại đến tài sản.
Vậy theo ông, phải có biện pháp nào để tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, phải làm sao để buộc các bộ, ngành ban hành sớm các văn bản hướng dẫn?
Tới đây, Quốc hội sẽ sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định rõ trách nhiệm của cơ quan hướng dẫn. Giao cho anh ra văn bản hướng dẫn thì bao giờ phải xong, chất lượng văn bản phải thẩm định trước khi ban hành bảo đảm không trái với luật, thực sự phù hợp với cuộc sống, tránh luật nói một đằng, hướng dẫn một nẻo. Người đứng đầu các bộ, ngành, trưởng các bộ phận pháp chế của bộ, ngành phải chịu trách nhiệm.
Tôi cho rằng, người soạn thảo văn bản hướng dẫn trái luật gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải xem xét xử lý trách nhiệm, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì việc này gây hậu quả lớn hơn cả hành vi riêng rẽ khi nó tạo ra khung pháp lý giả dối, sai phạm để người khác có điều kiện lợi dụng xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Người ta hay nói tham nhũng chính sách thì đây là chỗ mà chúng ta cần phải kiểm tra ngăn ngừa. Phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời xem xét, hủy bỏ kịp thời những văn bản có vấn đề, cấp trên không kiểm tra thường xuyên để cấp dưới ban hành văn bản như thế cũng phải chịu trách nhiệm.