Trong 21 ngân hàng được tòa triệu tập, có không dưới 3 nhà băng đã trả lời thẩm vấn để làm rõ các khoản vay liên quan đến cựu Chủ tịch VNCB.
Trả lời tòa, đại diện Sacombank cho biết, Ngân hàng đã nhận hồ sơ vay vốn của Phạm Công Danh. Theo đó, lô đất tại Tây Thạnh, Tân Phú (TP. HCM) của bị cáo Danh được dùng để đảm bảo cho 2 khoản vay của Công ty TNHH Quốc tế Thiên Thanh là 400 tỷ đồng và 192 tỷ đồng. Ngoài ra, lô đất tại đường Lý Thường Kiệt (TP. HCM) thế chấp cho khoản vay 50 tỷ đồng. Tính đến nay, tổng cộng gốc và lãi cả 3 khoản vay lần lượt là 765,9 tỷ đồng; 367,5 tỷ đồng, 64,7 tỷ đồng. Sacombank đề nghị Hội đồng xét xử bỏ quyết định kê biên các tài sản của Phạm Công Danh cho các khoản vay và giao lại cho Sacombank, vì hiện Ngân hàng đang quản lý để xử lý cho các hợp đồng tín dụng.
Bên cạnh đó, SouthernBank, hiện đã sáp nhập vào Sacombank cho biết, Ngân hàng đã nhận thế chấp 2 căn nhà số 90 đường Lữ Gia, Phường 8, Quận 11 và căn số 88 (TP. HCM) của Phạm Công Danh cho khoản vay 16 tỷ đồng của Công ty Phước Đại. Tính tới nay, cả gốc và lãi là 30 tỷ đồng.
Theo Agribank Chi nhánh Tân Phú, Nhà băng đã cấp hạn mức cho vay tín dụng với Tập đoàn Thiên Thanh là 170 tỷ đồng, dư nợ hiện nay là 159,4 tỷ đồng. Hợp đồng này được bảo đảm bằng mảnh đất tại Bình Dương thuộc sở hữu của Công ty Quốc tế Thiên Thanh thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và lô đất tại Củ Chi. Hai tài sản này đã đăng ký giao dịch đảm bảo. Agribank Tân Phú cho biết, khoản vay này đến nay cả gốc và lãi là 254 tỷ đồng, Chi nhánh đề nghị tòa cho giải tỏa kê biên và phát mãi tài sản cho khoản vay trên.
Thêm vào đó, khoản nợ của nhóm Thiên Thanh tại CBank tính đến ngày 31/12/2015 là 4.700 tỷ đồng nợ gốc, 1.900 tỷ đồng tiền lãi cho 15 khoản vay, với 11 bất động sản thế chấp.
Tại phiên tòa, khi được hỏi VNCB hiện đang nhận thế chấp bao nhiêu bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh, đại diện VNCB bà Nguyễn Thị Hồng Thắm trả lời, trong vụ án này, có 12 khoản vay từ 12 công ty của bị cáo Danh tại VNCB. VNCB đề nghị giải tỏa kê biên tài sản đảm bảo các khoản vay trên để Ngân hàng xử lý các khoản vay.
Về 124 sổ tiết kiệm (tổng trị giá 5.900 tỷ đồng) của nhóm Trần Ngọc Bích, trả lời Hội đồng xét xử, bà Thắm cho biết, Ngân hàng sẵn sàng chi trả cho bất kỳ khách hàng nào gửi tiền vào VNCB mà có nhu cầu rút ra, nhưng riêng trường hợp của bà Bích, VNCB sẽ trả căn cứ theo quyết định của Hội đồng xét xử. Như vậy các bên phải thực hiện theo phán quyết có hiệu lực của tòa án. Trường hợp, không chấp nhận thì thực hiện quyền kháng cáo.
Trong khi đó, tại phiên tòa sáng 4/8, bà Trần Ngọc Bích, người đã bị Phạm Công Danh và các đồng phạm rút mất 5.490 tỷ đồng, đã cung cấp bằng chứng cho Hội đồng xét xử. Theo bà Bích, các chứng từ, bút lục trong hồ sơ đã được viết thêm vào, không phải chữ xác nhận của nhân viên Tân Hiệp Phát. Ngoài ra, bà Bích cho biết, bà có bằng chứng về việc không yêu cầu VNCB chuyển tiền cho bất cứ ai và Ngân hàng biết rõ về việc này.
Bà Bích nhiều lần khẳng định rằng không liên quan đến việc cho bị cáo Phạm Công Danh vay 5.140 tỷ đồng mà chỉ cho bà Nguyễn Thị Trang (Trang Phố Núi) vay. Tuy nhiên, bị cáo Danh cho biết, các sổ tiết kiệm kể trên đã được nhóm bà Trần Ngọc Bích thế chấp để vay 5.190 tỷ đồng của VNCB, sau đó cho Trang Phố Núi vay lại. Khoản tiền này tiếp tục được chuyển vào tài khoản của bị cáo Danh, sau đó bị cáo Danh cùng các đồng phạm rút ra mà không có chữ ký của chủ tài khoản. Cuối cùng, khoản tiền trên đã được chuyển về tài khoản của ông Trần Quý Thanh – cha ruột bà Trần Ngọc Bích. Trong những ngày qua, tòa liên tục triệu tập ông Thanh có mặt tại tòa để làm rõ các vấn đề, nhưng do tình trạng sức khỏe nên ông Thanh chưa thể có mặt, chỉ ủy quyền cho người đại diện trả lời tại tòa.