Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, người bị kết luận là chủ mưu vụ án thổi giá kit xét nghiệm Covid-19.

Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, người bị kết luận là chủ mưu vụ án thổi giá kit xét nghiệm Covid-19.

Đại án Việt Á: Phan Quốc Việt đã điều hành 8 công ty thao túng đấu thầu kit test như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, đồng thời có cổ phần chi phối tại 15 doanh nghiệp khác, Phan Quốc Việt đã trực tiếp điều hành Công ty Việt Á và 7 công ty liên quan chi phối hoạt động đấu thầu kit test Covid-19 sau đó sử dụng tài khoản của một cửa hàng trong hệ thống để chuyển tiền hối lộ.

Tại Kết luận điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) do Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa công bố; cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ vai trò của các doanh nghiệp trong vụ án, trong đó có hệ sinh thái doanh nghiệp liên quan đến Phan Quốc Việt, người được kết luận là chủ mưu cầm đầu vụ án.

Theo đó, tại Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt (sinh năm 1980, thường trú tại TP. Hồ Chí Minh) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật; 3 cổ đông còn lại đều giữ chức Phó tổng giám đốc là Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Việt), Đồng Sỹ Huy, Vũ Đình Hiệp.

Công ty Việt Á có trụ sở chính tại 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh; được thành lập năm 2007; ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn máy móc, thiết bị, phụ tùng... Vốn điều lệ của Công ty là 1.000 tỷ đồng; gồm 4 cổ đông nói trên, trong đó Phan Quốc Việt và vợ nắm tới 71,25% vốn.

Từ năm 2018 đến năm 2020, Việt lần lượt mở thêm 2 chi nhánh và 1 địa điểm kinh doanh trực thuộc Công ty Việt Á tại Bình Dương và Quảng Nam, rồi bổ nhiệm Đồng Sỹ Huy và Vũ Đình Hiệp làm người đứng đầu các đơn vị này.

Xưởng sản xuất kit test của Công ty Việt Á tại Bình Dương

Xưởng sản xuất kit test của Công ty Việt Á tại Bình Dương

Để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt còn thành lập và điều hành hệ thống 15 công ty và cửa hàng Âu Lạc.

Trong đó, Việt sử dụng 8 pháp nhân doanh nghiệp sau làm "quân xanh", cung cấp báo giá khi hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu các gói thầu mua bán test xét nghiệm và các sinh phẩm, vật tư y tế khác. Đó là:

Công ty TNHH Khoa học An Việt (thành lập năm 2015, trụ sở chính tại TP.HCM). Công ty này có ngành nghề kinh doanh là buôn bán máy móc, thiết bị phụ tùng...; có vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng; do bà Trần Huyền Phú An làm Giám đốc. Tuy nhiên, bà An không nắm sở hữu tại doanh nghiệp này, toàn bộ sở hữu nằm trong tay Phan Quốc Việt (nắm 67,5% cổ phần), Đồng Sỹ Huy (22,5%) và Công ty Việt Á (10%).

Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Dược phẩm Thừa Thiên Huế (thành lập năm 2018, trụ sở chính ở TP. Huế). Công ty này kinh doanh đồ dùng gia đình, máy móc thiết bị...; do ông Nguyễn Ái Hà Phan làm Giám đốc. Tương tự Công ty An Việt, Giám đốc Công ty này cũng không sở hữu cổ phần mà nắm sở hữu chi phối là Công ty Việt Á (69,15%), còn lại là các cá nhân khác.

Công ty cổ phần Đầu tư Việt Á Y dược 99 (thành lập năm 2016, trụ sở ở TP.HCM), do Phan Quốc Việt làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Hoạt động chính của Công ty này là dịch vụ phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nha khoa, bán lẻ thuốc và dụng cụ y tế... Trong tổng vốn điều lệ 100 tỷ đồng, Công ty Việt Á là cổ đông chi phối do nắm 80% vốn.

Công ty TNHH Khoa học Việt Á (thành lập năm 2010, trụ sở ở TP.HCM), do ông Vũ Đình Hiệp làm Giám đốc; kinh doanh bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi... Trong tổng vốn 10 tỷ đồng, Phan Quốc Việt nắm 64,125%; Công ty Việt Á nắm 10%.

Công ty TNHH Y tế Âu Lạc (thành lập năm 2017, ở TP.HCM) do ông Vũ Đình Hiệp làm Tổng giám đốc; kinh doanh phòng khám đa khoa, sản xuất hóa chất... Trong tổng vốn điều lệ 20 tỷ đồng, Phan Quốc Việt nắm 64,125%; Công ty Việt Á nắm 10%.

Công ty cổ phần Y tế Việt Á (thành lập năm 2013, tại TP.HCM) do Phan Quốc Việt là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật; kinh doanh phòng khám đa khoa, bán buôn máy móc thiết bị và phụ tùng... Công ty này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng; trong đó Phan Quốc Việt nắm 64,125%; Công ty Việt Á nắm 10%.

Đối với Cửa hàng Âu Lạc (loại hình hộ kinh doanh, thành lập năm 2021, tại TP.HCM, do bà Hồ Thị Thanh Thảo (em vợ Việt) là chủ cửa hàng, vốn kinh doanh 1 tỷ đồng), Phan Quốc Việt đã sử dụng tài khoản của cửa hàng này để chuyển tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho các đơn vị, cơ sở y tế.

Liên quan đến những doanh nghiệp này, Kết luận điều tra cho biết, trong quá trình Công ty Việt Á tiêu thụ kit test, Phan Quốc Việt đã sử dụng báo giá của Công ty Việt Á và 7 công ty nói trên, đồng thời nhờ một số công ty Việt quen biết cung cấp các báo giá, trong đó giá của Công ty Việt Á và công ty trung gian luôn thấp nhất để đưa vào hồ sơ duyệt thầu.

Sau khi Công ty Việt Á và các công ty trung gian trúng thầu và được thanh toán tiền, Việt chỉ đạo Thảo (Chủ cửa hàng Âu Lạc) chi phần trăm cho công ty trung gian, đơn vị, cơ sở y tế bằng chuyển khoản từ tài khoản của Cửa hàng Âu Lạc đến tài khoản của 7 nhân viên quản lý vùng của Việt Á, sau đó những nhân viên này rút tài khoản lấy tiền mặt chi cho các lãnh đạo và cán bộ đơn vị, cơ sở y tế.

Theo Kết luận điều tra, toàn cảnh vụ án như sau: Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, Chính phủ có chủ trương giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) chủ động nghiên cứu, phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bộ KHCN giao Học viện Quân y (Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự) nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện vi rút Corona (kit test, kít xét nghiệm).

Đề tài này được cấp kinh phí thực hiện gần 19 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương; thời gian thực hiện là 18 tháng.

Theo quy định, đề tài này do Bộ KHCN làm chủ, kết quả sẽ thuộc về Bộ KHCN; Học viện Quân y là cơ quan được Bộ đặt hàng nghiên cứu và sản xuất kit test; Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện đơn đặt hàng trên.

Tuy nhiên, do Phan Quốc Việt có mối quan hệ hợp tác trước đó với Bộ KHCN nên Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, đơn vị đầu mối quản lý nghiên cứu) tác động đến lãnh đạo Bộ KHCN để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu, sau đó sử dụng kết quả nghiên cứu này, lập hồ sơ đăng ký gửi Bộ Y tế, dù Công ty này không phải chủ sở hữu đề tài.

Tiếp đó, Phan Quốc Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cựu nhân viên Văn phòng Chính phủ); Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký Nguyễn Thanh Long) can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bô Y tế) tham mưu, đề xuất để ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế ký quyết định cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời; đăng ký lưu hành chính thức kit xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á.

Như vậy, Phan Quốc Việt được xác định là chủ mưu, cầm đầu vụ án, biến công trình nghiên cứu khoa học công nghệ do Nhà nước sở hữu thành công trình do Công ty Việt Á sở hữu.

Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá để thu lợi nhuận và có tiền chi hoa hồng ngoài hợp đồng và chi hối lộ các quan chức.

Cụ thể, giá thành sản xuất kit xét nghiệm được xác định tối đa là 143.461 đồng/bộ (đã bao gồm 5% lợi nhuận và các chi phí), nhưng doanh nghiệp này vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định với giá 470.000 đồng/bộ.

Khi Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý; dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế đã được Phan Quốc Việt nâng khống, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.

Kết quả, chỉ trong năm 2020, 2021, Công ty Việt Á đã sản xuất tổng số gần 8,8 triệu kit xét nghiệm, tiêu thụ (bán, cho, tặng, ứng trước) cho các đơn vị, cơ sở y tế 8,3 triệu kit xét nghiệm, tổng trị giá hơn 3.900 tỷ đồng. Tổng doanh thu trong thời gian trên là hơn 4.200 tỷ đồng.

Từ việc nâng khống giá bán kit xét nghiệm, tiêu thụ số lượng trên, Công ty Việt Á đã hưởng lợi trái phép số tiền đặc biệt lớn, lên đến hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó công ty này đã được thanh toán 5,9 triệu kit xét nghiệm, với tổng trị giá hơn 2.200 tỷ đồng.

Phan Quốc Việt cũng được xác định đã nhiều lần đưa hối lộ cho các lãnh đạo, cán bộ đã tạo điều kiện, giúp sức như: ông Nguyễn Thanh Long (2,25 triệu USD); Nguyễn Huỳnh (4 tỷ đồng); Nguyễn Minh Tuấn (hơn 6,9 tỷ đồng); cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên (2,3 tỷ đồng);

Cựu Bộ trưởng Bộ KHCN, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Cựu Bộ trưởng Bộ KHCN, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Cựu Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh (200.000 USD); cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc (hơn 1,1 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Trịnh (hơn 4,5 tỷ đồng).

Ngoài ra, Phan Quốc Việt cùng Trịnh Thanh Hùng cũng thỏa thuận ăn chia % doanh thu của Công ty Việt Á từ việc tiêu thụ kit xét nghiệm. Qua đó, Việt đã 2 lần đưa tổng số tiền 350.000 USD (tương đương 8 tỷ đồng) cho Hùng.

Cơ quan điều tra kết luận, vụ án gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 402 tỷ đồng.

Các bị can bị Bộ Công an đề nghị truy tố:

- Nhóm tội danh "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng": 23 bị can bao gồm Phan Quốc Việt (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Á), Vũ Đình Hiệp (Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á) và 21 bị can là nhân viên Công ty Việt Á; cán bộ một số cơ quan, nhân viên CDC và Giám đốc các doanh nghiệp y tế, các công ty thẩm định giá tại các tỉnh thành: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Bình Dương, Nghệ An,

- Nhóm tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí": Cựu Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc.

- Nhóm tội danh "Nhận hối lộ": Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KHCN), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ phó Vụ trang thiết bị y tế, Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (Phó phòng quản lý giá thuốc, Bộ Y tế), Phạm Duy Tuyến (nguyên Giám đốc CDC Hải Dương), Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế).

- Nhóm tội danh “Đưa hối lộ”: Phan Tôn Noel Thảo (Trợ lý tài chính Công ty Việt Á), Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á).

- Nhóm tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ": Phạm Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Dương), Nguyễn Văn Trịnh (nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ)....

Tin bài liên quan