Bị cáo Thanh khai nhận, với tư cách là Chủ tịch HĐQT PVC, nhiệm vụ chính là lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện, triển khai các kế hoạch kinh doanh năm.
Nhắc đến tình hình tài chính PVC năm 2011, bị cáo Thanh khai, PVC lên sàn chứng khoán từ năm 2009. Năm 2011, PVC có lãi, số lãi bao nhiêu bị cáo không nhớ nhưng khi đó, PVC tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Mức vốn đầu tư cho các công ty con, các thành viên khác vượt so với vốn điều lệ (3.500 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng).
Bị cáo Thanh lý giải, hiện trạng của PVC là do thực hiện tái cơ cấu, PVC nhận một số dự án thua lỗ của tổng công ty khác dẫn đến cộng dồn vốn.
Thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi: Ở bối cảnh PVC gặp khó khăn về tài chính, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lại chỉ định gói thầu Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, thực hiện hợp đồng EPC số 33, bị cáo nghĩ như nào?
Bị cáo Thanh đáp: PVC là đơn vị thi công, lãnh đạo và bị cáo rất mừng vì được chọn là tổng thầu dự án này. Bị cáo và các lãnh đạo liên hệ với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù bị cáo biết năng lực PVC chưa đạt nhưng tại thời điểm đấy, chỉ có PVC và Lilama có đủ năng lực. Dựa vào những kết quả đấy, anh Đinh La Thăng muốn đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo Luật Đấu thầu thì dù là PVC hay liên danh nhà thầu thì PVC là đơn vị thuê các chuyên gia nước ngoài để làm.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa (Ảnh chụp qua màn hình)
Thẩm phán: Theo nhận thức bị cáo, khi PVC đang mất cân đối tài chính lại nhận dự án, đấy có phải là thuận lợi không hay càng gây thêm khó khăn?
Bị cáo Thanh: Một đơn vị xây lắp nhận được dự án là điều rất tốt. Càng khó khăn, càng có công việc là điều mừng ạ. Các công trình Tập đoàn giao cho PVC làm rất thuận lợn, có kế hoạch rõ ràng mới triển khai. Thuận lợi nhiều hơn là khó khăn. Bị cáo nghĩ, PVC sẽ vượt qua.
Trả lời về quá trình chuẩn bị, triển khai, thực hiện hợp đồng 33, bị cáo Thanh khai nhận, theo phân cấp, HĐQT giao cho ban Tổng giám đốc chuẩn bị các thủ tục để ký hợp đồng. Trước yêu cầu phải khởi công dự án vào quý I/2011, ban Tổng giám đốc báo cáo thời gian ngắn, hồ sơ đề xuất không kịp. Tuy nhiên, trong các phiên họp, Tập đoàn quyết định phải khởi công đúng kế hoạch. Những khâu chưa chuẩn bị có thể cho nợ.
Với hợp đồng 33, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận có khuyết điểm. Trách nhiệm của bị cáo là không đọc kỹ hợp đồng, không phát hiện những nội dung thiếu sót như thiếu phụ lục…, bởi lẽ bị cáo quan tâm 2 vấn đề chính là tiền và tiến độ.
“Bị cáo chỉ đọc ý chính, nếu đọc chắc chắn không thể có thiếu sót”, bị cáo Thanh đáp. Tuy nhiên, bị cáo cũng cho rằng, nội dung thiếu sót nhưng sẽ cho hoàn thiện sau.
Đề cập đến vấn đề chi tiền tạm ứng không đúng mục đích, bị cáo Thanh khẳng định: “Toàn bộ phần chi tiêu thuộc thẩm quyền của ban tài chính. Kế toán trưởng phải chi tiêu đúng luật".
Bị cáo Thanh cũng cho rằng, việc góp vốn vào Công ty cổ phần thiết bị nội ngoại thất Dầu khí – PVC Metal, CTCP Xây lắp Nghệ An –PVNC, CTCP Phát triển đầu tư đô thị dầu khí – PVC-Mekong, Công ty Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVCland, chủ trương theo nghị quyết HĐQT.
Cựu kế toán trưởng PVC khai nhận, việc góp vốn vào các đơn vị được HĐQT phê duyệt trước khi bị cáo nhận nhiệm vụ. Thời điểm đó, không có bất kỳ nguồn vốn nào khác và HĐQT quyết định phải chiếm dụng nguồn vốn khác. Bị cáo báo cáo nhưng các anh không có ý kiến gì.
Sau khi bị cáo Trịnh Xuân Thanh trả lời thẩm vấn xong, tòa cho cách ly bị cáo và dẫn giải ông Đinh La Thăng xét hỏi.
Ông Đinh La Thăng tại tòa (Ảnh chụp qua màn hình)
Ông Đinh La Thăng khai nhận, việc chỉ định PVC là tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương xây dựng tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh đa ngành, đẩy mạnh và tăng nhanh doanh thu của đơn vị dịch vụ trong đó có PVC.
Cựu Chủ tịch HĐTV PVN cho rằng, nếu thực hiện theo phương án liên danh tổng thầu gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đối tác. Theo phương án PVC là tổng thầu sẽ triển khai các vấn đề sớm trong nước. HĐTV đồng ý giao PVC là tổng thầu thay liên danh.
Trước khi chỉ định PVC, HĐTV căn cứ vào năng lực, thực tiễn của PVC và đồng ý về mặt nguyên tắc. Theo bị cáo, năng lực của PVC là có.