Sáng 14/1, mặc dù là ngày cuối tuần, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại PVC vẫn tiếp tục làm việc với phần tranh luận. Sau bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, các bị cáo còn lại cũng có phần tự bào chữa.
Tự bào chữa, bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN) cho rằng, mình không chỉ đạo ký hợp đồng 33 trái quy định. Đối với những dự án lớn, việc điều chỉnh, bổ sung hợp đồng là bình thường. Theo ông Thực, chắc chắn không có ai nói hợp đồng 33 không có cơ sở pháp lý, cần hủy bỏ, cũng không có báo cáo nào về rủi ro pháp lý của hợp đồng 33.
Có 4 lần cấp vốn tạm ứng, 3 lần bị cáo không nhận được báo cáo nên không có ý kiến gì. Một lần bị cáo có nhận được thì đã có bút phê yêu cầu xem xét đúng quy định, nhưng bút phê của bị cáo đã không được chấp hành. Điều này cho thấy, bị cáo không có vai trò trong việc cấp vốn sai.
"Bị cáo không có bất cứ chỉ đạo nào, kể cả bằng văn bản trong việc chi tiền tạm ứng", lời ông Thực.
Bị cáo Thực cho rằng, tại tòa, bị cáo chỉ cố gắng đưa ra những chứng cứ chứng minh mình vô tội, nhưng lại bị đại diện VKS cho là không nhận tội, đổ lỗi cho cấp dưới. Nghe đại diện VKS luận tội với mức án nặng nề, bị cáo vô cùng sốc.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: TTXVN.
Phải truy đến cùng dòng tiền
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) cho rằng, trong vụ án này chưa xuất hiện trách nhiệm dân sự.
“Trong vụ án hình sự, nếu suy xét thiệt hại, mất mát phải truy đến cùng dòng tiền. Tiền đấy chưa đi thanh toán, dẫu sai mục đích, vẫn đem lại hiệu quả. Cần thu hồi hiệu quả cả phần gốc, lãi để bù trừ thiệt hại. Bị cáo đề nghị nếu xử lý thiệt hại phải truy đòi đến cùng dòng tiền, tránh các bị cáo chịu tổn thất dân sự”, bị cáo Sơn nói.
Về hành vi tạm ứng sai quy định, bị cáo Sơn cho rằng, có 2 đối tượng liên quan và cáo trạng quy kết là nhóm lãnh đạo PVN và cán bộ Ban quản lý công trình dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trực tiếp ký quyết định tạm ứng.
Đối với quy trình của nội bộ tập đoàn, các bị cáo có liên quan, tuy nhiên trách nhiệm trực tiếp sử dụng, giám sát vốn nhà thầu theo Điều 17, Nghị định 48 thuộc về bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý dự án) và Trần Văn Nguyên (nguyên kế toán trưởng Ban quản lý dự án).
Bị cáo cũng phản biện việc tạm ứng sau khi ký hợp đồng. “Thực chất việc tạm ứng là khoản tiền đặt cọc cho hợp đồng nhằm phát sinh trách nhiệm của các bên, một số điều khoản chưa có như điều khoản thanh toán, nhưng trong quá trình thực hiện có thể hoàn thiện các phụ lục này”, bị cáo Sơn nói thêm.
Bị cáo Sơn cũng khẳng định, trong vụ án này, bị cáo không có động cơ cá nhân nào để làm sai quy định nhà nước.
“Bị cáo luôn nhiệt tình, có trách nhiệm và làm việc quyết liệt. Bị cáo bị tai biến mạch máu não, nếu như bị cáo hy sinh trong công tác thì mình không có điều gì ăn năn”, bị cáo Sơn giãy bày.
Nhắc đến vai trò của bị cáo Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN) và Nguyễn Ngọc Quý (nguyên phó Chủ tịch HĐQT PVC) và Ninh Văn Quỳnh, bị cáo Sơn xin HĐXX xem xét lại.
"Bị cáo Quý là người có tư chát hiền lành, chủ yếu làm công tác đoàn thể và đảng. Hơn 30 năm trong ngành, những con người như bị cáo Quý không cố tình rơi vào vòng lao lý. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo Quý không bị cách ly khỏi xã hội. Với con người đó nếu rơi vào vòng lao lý rất đau lòng”, bị cáo Sơn kết thúc bài bào chữa.
Xin giảm nhẹ cho cấp dưới
Tại tòa, bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN không đồng tình với kiến nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung của luật sư.
Bị cáo Quỳnh cho rằng, bản thân là người thừa hành công việc của cấp trên, không biết hợp đồng 33 sai trái như vậy.
“PVC, PVPower là công ty con của tập đoàn, nếu bổ sung hoàn thiện hợp đồng thì không có khó khăn gì”, bị cáo Quỳnh bào chữa.
Bị cáo Quỳnh cũng đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lê Đình Mậu.
“Bị cáo Mậu là cấp phó của bị cáo, thực chất việc cấp và chuyển tiền ký theo ủy quyền của bị cáo, chỉ như người xuất kho. Anh Mậu không nắm được khiếm khuyết của hợp đồng 33”, bị cáo Quỳnh xin cho cấp dưới.
Một số bị cáo khác đề nghị xem xét hình phạt và tội danh theo đúng quy định pháp luật.