Đại án PVC: Luật sư của Trịnh Xuân Thanh đề nghị dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản

(ĐTCK) Luật sư xuất trình hợp đồng tặng cho được lập năm 2011, tức là trước thời điểm xảy ra hành vi tham ô ở PVC (đầu năm 2012 các bị cáo lập các hợp đồng khống để chiếm đoạt tiền).
Luật sư Trần Hồng Phúc (ảnh chụp qua màn hình).

Luật sư Trần Hồng Phúc (ảnh chụp qua màn hình).

Sáng 12/1, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC) đề nghị xem xét lại việc xử lý tài sản kê biên của vụ án này.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra Bộ Công an đã kê biên biệt thự và căn hộ ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa); xe ôtô Mazda CX5 màu trắng, giao cho anh Trịnh Hùng Cường (con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh) bảo quản.

Theo yêu cầu của cơ quan điều tra, Thống đốc NHNN có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm tra, rà soát, phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của vợ, chồng Trịnh Xuân Thanh, Trần Dương Nga cùng 02 con trai (Trịnh Hùng Cường, Trịnh Hùng Phương).

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã rà soát, phong tỏa chứng khoán do Trịnh Xuân Thanh và Trần Dương Nga (vợ bị cáo Trịnh Xuân Thanh), không cho chuyển nhượng khi chưa có yêu cầu của Cơ quan điều tra.

Luật sư cho rằng, việc kê biên tài sản trước đây là hoàn toàn đúng pháp luật. Nếu xác định đây là tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham ô của bị cáo (nếu có) sau này thì đây là biện pháp để bảo đảm thi hành án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo luật sư, HĐXX đã làm rõ, anh Cường khai những tài sản nói trên là tài sản ông bà nội cho. Anh Cường hoàn toàn không có lời khai nào xác định đây là tiền do bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho con trai.

“Điều này được thể hiện trong hợp đồng tặng cho. Hợp đồng này được ông bà Trịnh Xuân Giới tặng cho số tiền tại 6 sổ tiết kiệm. Anh Cường khai việc anh mua các tài sản (đã bị kê biên) bằng số tiền ở 6 sổ tiết kiệm ông bà cho”- luật sư Phúc nói.

Luật sư cũng xuất trình hợp đồng tặng cho được lập năm 2011, tức là trước thời điểm xảy ra hành vi tham ô ở PVC (đầu năm 2012 các bị cáo lập các hợp đồng khống để chiếm đoạt tiền  - PV).

“Đây không phải là tài sản anh Cường có được từ nguồn tiền tham ô của bố anh ấy (nếu có), đây là tài sản hợp pháp của ông bà nội anh Cường cho. Còn trách nhiệm chứng minh vấn đề này thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Đề nghị HĐXX xem xét xử lý giải quyết việc dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản”- luật sư Phúc đề nghị.

Luật sư cho rằng, ngày 3/1/2018, theo đề nghị của bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhờ gia đình nộp số tiền thuộc cấp chiếm đoạt ở PVC.

“Tại phiên tòa hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục nộp biên lai của chi cục thi hành án Hà Nội đã thu tiếp số tiền 2 tỷ đồng. Như vậy, chúng tôi mong HĐXX lưu tâm, xem xét, đánh giá ý thức trách nhiệm của bị cáo Thanh đối với việc xảy ra tham ô tại PVC về phần khắc phục hậu quả để từ đó xem xét…”, luật sư Phúc nêu rõ.

Tin bài liên quan