Sáng 18/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm bước sang tuần làm việc thứ ba.
Trước đó, tại phần luận tội, Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị mức án đối với Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh) 16-17 năm tù, Hứa Thị Phấn (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ) 17-18 năm tù; Trần Văn Bình (cựu Giám đốc Công ty Trung Dung) là 5 - 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Hành vi của các bị cáo được xác định là đồng phạm với Hà Văn Thắm liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng của Oceanbank cho Công ty Trung Dung (công ty sân sau của Danh).
Bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, luật sư Phan Trung Hoài nhấn mạnh về đường lối xử lý khoản tiền 500 tỷ đồng liên quan số phận pháp lý của các bị cáo. Cụ thể, dẫn bối cảnh Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín, luật sư Hoài cho rằng, thời điểm khi đó, thực trạng Ngân hàng Đại Tín rất xấu, nằm trong 9 ngân hàng phải tái cơ cấu và bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của NHNN. Vốn chủ sở hữu âm 2.800 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 95% tập trung nhóm Phú Mỹ và Thu Trang. Nhóm cổ đông bà Hứa Thị Phấn bàn giao ngân hàng trong khi tổng nợ chưa được thu hồi.
Theo luật sư Hoài, thực tế, Tập đoàn Thiên Thanh trả nợ cũ hơn 3.600 tỷ đồng cho nhóm bà Phấn, trong đó có khoản 500 tỷ đồng vay của Oceanbank.
"Trong hợp đồng ký kết giữa Oceanbank và Công ty Trung Dung, mục đích vay nhằm hỗ trợ mua quyền sử dụng đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). Còn theo thỏa thuận giữa bà Phấn và Phạm Công Danh, khoản tiền trên được tất toán cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm bà Phấn dưới hình thức trả tiền mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín. 5 cá nhân đứng tên hợp đồng tín dụng được xác định là người thụ hưởng cuối cùng.
Thực hiện thỏa thuận trên, bà Hứa Thị Phấn đồng ý cho Phạm Công Danh mượn tài sản thế chấp gồm quyền phát sinh từ 2 hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà ở tại Dự án Khu dân cư phức hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) và 5,8 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn SSG của nhóm Hứa Thị Phấn, Hứa Thị Bích Hạnh và Ngô Kim Huệ. Ngoài ra, Phạm Công Danh còn bổ sung tài sản bảo đảm là 100% vốn góp của Công ty Trung Dung.
Chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam xác định, các tài sản trên có giá trị 156 tỷ đồng. Oceanbank bị thiệt hại 343 tỷ đồng", luật sư Hoài dẫn cáo trạng cho biết.
Tuy nhiên, theo vị luật sư này, thủ tục và nội dung chứng thư thẩm định giá không đảm bảo cơ sở pháp lý. Công ty định giá không có chức năng giám định tư pháp. Mục đích thẩm định giá nhằm phục vụ xử lý nợ, không phải là kết luận giám định.
Toàn bộ tài sản trên cũng được đăng ký giao dịch bảo đảm và có giá trị thực tế cao hơn giá trị thẩm định. Đơn cử là 860.493 cổ phần SSG của bà Phấn có giá trị hơn 100 tỷ đồng.
Luật sư Hoài cho rằng, khoản vay 500 tỷ đồng có dấu hiệu cho vay sai mục đích. Tuy nhiên, không đủ căn cứ quy kết bị cáo Phạm Công Danh đồng phạm với Hà Văn Thắm. Về ý thức chủ quan, bị cáo Danh không bàn bạc, trao đổi trực tiếp với Thắm. Hồ sơ ký kết được thực hiện ngay tại phòng làm việc của bà Phấn.
Kết thúc bài bào chữa, luật sư kiến nghị, truy nguyên đường đi của dòng tiền 500 tỷ đồng đã tất toán cho 5 khách hàng của bà Phấn nhằm thu hồi khắc phục hậu quả. Đồng thời, tiếp tục kê biên tài sản của bà Phấn và những người liên quan.
Cũng trong sáng nay, một số luật sư khác tham gia bào chữa cho nhóm bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch Oceanbank về tội Cố ý làm trái tiếp tục trình bày tại tòa.
Luật sư Phạm Trung Hiếu cho rằng, khoản tiền chi lãi ngoài được hạch toán vào tài khoản chi trả lãi tiền gửi (TK801). Các báo cáo tài chính của Oceanbank được Công ty Deloitte kiểm toán nhưng không phát hiện ra khoản chi sai quy định. Luật sư đề nghị phải mời Deloitte tham gia tố tụng với vai trò nhân chứng hoặc yêu cầu có văn bản giải trình quá trình kiểm toán tại Oceanbank.