Theo lịch dự kiến, vụ đại án kinh tế xảy ra tại OceaBank gây thất thoát gần 1.500 tỷ đồng sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 27/2/2017. Những sai phạm của các các bị cáo thực hiện chủ trương chi ngoài lãi suất huy động được hé lộ trong cáo trạng. Nhưng điều dư luận đặc biệt quan tâm là những doanh nghiệp nhận lãi ngoài của OceaBank và tiến trình thu hồi tài sản ra sao?
Thống kê của cơ quan điều tra, từ năm 2011 - 2014 có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại OceanBank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Ngân hàng chi trả.
Trong số khách hàng “VIP” của OceaBank thời điểm đó có Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP).
Tháng 11/2010, khi Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí, thì Nguyễn Minh Thu được Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giới thiệu làm Tổng giám đốc OceanBank. Sơn đề nghị Thu tiếp tục trực tiếp làm việc với 3 khách hàng lớn trên.
Thu khai nhận, số tiền 125,6 tỷ đồng để chi trả lãi ngoài huy động vốn cho Ngân hàng. Trong đó, có 114,4 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và 11,5 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trong thời gian từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2014. Trong số tiền này, Thu trực tiếp nhận và chi trả 57,8 tỷ đồng cho các khách hàng lớn gồm PVOil 15,7 tỷ đồng, VSP 22,7 tỷ đồng và BSR 19,3 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp khác nhận lãi ngoài có Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước - PVEP POC 6 tỷ đồng, Công ty Tàu và Công ty Cảng Dịch vụ Dầu khí 2,3 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại 8,3 tỷ đồng...
Thực hiện chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên phó Tổng giám đốc OceanBank) chịu trách nhiệm chi trả 263,4 tỷ đồng cho các doanh nghiệp.
Số tiền chi tiết gồm: Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) nhận 105,9 tỷ đồng, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí - PVEP là 76,5 tỷ đồng, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PVPower là 35,5 tỷ đồng, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các thành viên PVI là 19,9 tỷ đồng, Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1 là 4,4 tỷ đồng, Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 là 1,4 tỷ đồng, Tổng công ty Vận tải Dầu khí là 7,9 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cảng Phước An là 3,2 tỷ đồng.
Hà Văn Thắm đã thông qua “sân sau” là Công ty cổ phần BSC Việt Nam (thành lập năm 2008) thực hiện ký hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng vay vốn tại OceanBank để thu phí.
Cơ quan điều tra đã có công văn gửi đến 362 tổ chức kinh tế gửi tiền tại OceanBank giai đoạn 2011 - 2014, đến nay có 19 doanh nghiệp thừa nhận có nhận tiền lãi ngoài và nộp lại số tiền 3 tỷ đồng, 124 doanh nghiệp khẳng định không nhận lãi tiền chi lãi ngoài, 249 doanh nghiệp chưa có văn bản trả lời.
Một số doanh nghiệp nộp lại tiền là Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí biển Việt Nam, Công ty cổ phần Âu Việt, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Gia Định, Công ty cổ phần Đại An Sài Gòn, Công ty cổ phần Sản xuất Dịch vụ Tân Bình, Công ty cổ phần Đầu tư khu công nghiệp dầu khí IDICO Long Sơn, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel, Công ty cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam, Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ dầu khí miền Trung, Công ty liên doanh Sản xuất thép Vinausteel (Thép Việt Úc)...
Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định về vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Họ có quyền tham gia phiên tòa, phát biểu ý kiến, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
Như vậy, để làm rõ tình tiết của vụ án và giải quyết nghĩa vụ dân sự, những doanh nghiệp trong danh sách nhận lãi từ OceanBank có thể được triệu tập đến tòa án tham gia phiên tòa sắp tới.