Với chiến lược phát triển thương mại - phân phối sản phẩm trước, khi đã hiểu ngành, hiểu sản phẩm, có thị trường ổn định và tìm kiếm công nghệ phù hợp với dự toán chi phí cạnh tranh mới bắt đầu chuyển sang sản xuất.
Có lẽ đó là lý do vì sao CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) luôn có thị phần ở mức rất cao, thậm chí là gần như chi phối trên thị trường ở các nhóm sản phẩm vật liệu nhựa xây dựng, quảng cáo mà Công ty cung cấp ra thị trường.
uPVC Profile: Sản phẩm chủ lực của Hà Nội
Được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội, chiếm tới 50% thị trường miền Bắc trong sản phẩm uPVC Profile, thế nhưng, DAG dường như chưa hài lòng với con số thị phần này khi lý do chưa chiếm lĩnh trọn thị trường không phải từ áp lực cạnh tranh, mà từ một lý do rất khác các DN khác: hết công suất. Đây là lý do rất đặc biệt của DAG mà có lẽ doanh nghiệp nào cũng rất mong muốn được không hài lòng như thế.
Tình trạng không có hàng tồn kho thành phẩm, hàng tồn kho chủ yếu ở dạng nguyên vật liệu, hàng bán thành phẩm và hàng đang đi đường, với lượng sản phẩm cung cấp cho khách hàng ở mức thấp so với cầu khách hàng sẵn sàng chi trả đã giúp DAG tự tin cho kế hoạch mở rộng dây chuyền, nâng gấp 2,5 lần vào cuối năm 2015 và gấp 4 lần năng lực sản xuất hiện nay vào đầu năm 2016.
“Tham vọng của tôi là đẩy lùi hàng Trung Quốc trên thị trường Việt Nam, để người Việt sẽ được dùng hàng Việt với chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Ngoài sản phẩm của DAG, gần như 100% thị phần sản phẩm uPVC Profile còn lại được cung cấp bởi các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc, nhưng rõ ràng họ không thể cạnh tranh với chúng tôi cả về chất lượng và giá thành. Do đó, tôi kỳ vọng đến năm 2016, DAG cơ bản chiếm lĩnh được toàn bộ thị trường phía Bắc và từng bước mở rộng ra thị trường phía Nam”, ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty nói.
Tất nhiên, đi kèm với câu chuyện thị trường, đó là hiệu quả kinh doanh.
Nhóm sản phẩm thanh Profile hiện đóng góp 35-40% doanh thu toàn Công ty, với tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu khoảng 10%. Từ quý IV/2015, với việc tăng gấp 2,5 lần doanh thu từ sản phẩm, doanh thu toàn Công ty sẽ tăng khoảng 35-40%, kéo theo đó là tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng.
Khi nhà máy đi vào hoạt động hết công suất, doanh thu của DAG có thể đạt mức trên 1.500 tỷ đồng, tương đương mức lợi nhuận gộp khoảng 150 tỷ đồng, lớn hơn 50% so với mức lợi nhuận gộp hiện tại của toàn Công ty.
Smartwindow : Cửa nhựa uPVC có lõi thép gia cường, cửa nhôm và vách kính dựng
Hàng loạt dự án bất động sản lớn đã và đang sử dụng sản phẩm Smartwindow của Công ty TNHH Smartwindow Việt Nam như: tòa nhà làm việc liên cơ quan cho các đơn vị thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Khu Văn phòng và nhà ở cao cấp Vinaconex 1, Trung tâm thương mại chợ Mơ, Tổ hợp nhà ở đa năng 28 tầng - làng Quốc tế Thăng Long, Nhà ga T2 Nội Bài, TTTM Vincom Center A (EDEN Mall), Khách sạn 5 sao StarCity Saigon…
Thế nhưng, điều ấy là bình thường với một doanh nghiệp đã vượt qua khoảng hơn 800 doanh nghiệp lắp ráp cửa nhựa uPVC, cửa nhôm để trở thành doanh nghiệp đứng tốp đầu toàn quốc về sản phẩm này. Với 2 thương hiệu là Smartdoor và Smartwindows, sản phẩm cửa nhựa uPVC, cửa nhôm, vách kính dựng của Smartwindow Việt Nam chọn cho mình một cách rất riêng để chiếm lĩnh thị trường.
Bí quyết để Smartwindow Việt Nam dành được vị trí này nằm ở chính khả năng sản xuất 2 nguyên liệu chính cho quá trình lắp ráp, đó là thanh profile và gioăng.
Ở vai trò là công ty con của DAG, đạt được ưu thế hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong ngành, nhưng cũng giống như sản phẩm thanh uPVC Profile, giới hạn về quy mô hoạt động, do vốn điều lệ công ty con hiện vẫn khiêm tốn ở mức 20 tỷ đồng, khiến Smartwindow Việt Nam chưa trở thành doanh nghiệp số 1 trong ngành.
Tấm Mica và các sản phẩm khác
Ngoài 2 sản phẩm chủ lực nói trên, DAG còn có trong tay khá nhiều sản phẩm khác như: tấm Mica, tấm nhôm composite, bạt hiflex, tấm nhựa công nghiệp PP…
Dù chiếm tỷ lệ đóng góp vào tổng doanh thu, lợi nhuận không quá lớn như sản phẩm thanh Profile uPVC và Smartwindow, nhưng các sản phẩm này đều chiếm lĩnh thị trường khá lớn. Trong đó, sản phẩm từng một thời có mặt ở hầu hết các gia đình là nẹp ván sàn, sản phẩm này DAG chiếm thị phần chủ yếu trên toàn quốc; các sản phẩm truyền thống khác như tấm ốp trần, tấm Pano, nẹp trang trí, bạt Hiflex … mang nhãn hiệu Nhựa Đông Á được tiêu thụ và phân phối tại tại phía bắc là chủ yếu.
Đối với các sản phẩm này, Công ty được biết đến là doanh nghiệp uy tín số 1 với thị phần chiếm lĩnh khoảng 30-35% thị trường.
Đối với sản phẩm tấm PP công nghiệp, hiện nay, toàn thị trường có khoảng 04 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm này, trong đó DAG là doanh nghiệp dẫn đầu tại thị trường Miền Bắc.
Các sản phẩm khác của Công ty như tấm Mica, tấm nhôm composit với công suất sản xuất lên tới 10.000 tấn/năm, sản xuất được sản phẩm với nhiều mẫu mã và kích thước, màu sắc; bạt Hiflex… hiện cũng là những mặt hàng đã khẳng định vị thế lớn bậc nhất tại miền Bắc.
Đặc biệt hơn, đây đều là những sản phẩm có xu hướng tăng trưởng mạnh trong tương lai, thay thế một số loại vật liệu xây dựng truyền thống, nên trong tương lai, đây sẽ là tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho DAG.
“Chúng tôi có thế mạnh là am hiểu thị trường, có thị trường trước khi bắt tay vào đầu tư sản xuất. Đó là lý do vì sao DAG luôn ở vị trí số 1 hoặc trong top đầu các nhà cung cấp ở những mặt hàng mình sản xuất. Và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu đó cho những sản phẩm chiến lược giai đoạn tiếp theo của mình”, ông Hùng khẳng định.