DAG: Đột biến lợi nhuận từ uPVC Profile

DAG: Đột biến lợi nhuận từ uPVC Profile

(ĐTCK) Với sản phẩm chủ lực là thanh Profile - sản phẩm đầu vào của ngành sản xuất cửa uPVC có lõi thép gia cường - đã có chỗ đứng rất vững chãi trên thị trường, mục tiêu lớn nhất mà CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) đang phải gấp rút triển khai là mở rộng nhiều hơn nữa công suất nhà máy để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cũng từ sản phẩm này, quý IV/2015 sẽ là điểm khởi đầu cho chuỗi ngày tăng trưởng ngoạn mục doanh thu, lợi nhuận của Công ty.

Tăng trưởng mạnh lợi nhuận từ sản xuất thanh Profile

Với công suất hiện tại đạt 12.000 tấn/năm của 14 dây chuyền, Nhựa Đông Á chỉ đáp ứng được xấp xỉ 50% nhu cầu thị trường phía Bắc. Phần còn lại của thị trường miền Bắc và gần như toàn bộ thị trường phía Nam được cung cấp bởi các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc. Thế nhưng, ngay từ đầu quý IV/2015, cục diện này sẽ thay đổi.

Trên diện tích nhà máy gần 100.000 m2 tại Hà Nam, Nhựa Đông Á đầu tư xây mới phân xưởng uPVC Profile rộng tới 20.000m2. Những bước cuối cùng của quá trình đầu tư mở rộng nhằm đưa công suất nhà máy sản xuất uPVC Profile lên gấp 2,5 lần vào cuối năm nay, đạt 50.000 tấn/năm, tương đương gấp 4 lần vào năm 2016 đang được Công ty gấp rút thực hiện.

“Chúng tôi đã tiến hành nghiệm thu nhà máy và chuẩn bị sẵn sàng cho việc tăng gấp 2,5 công suất sản xuất hiện tại vào quý IV/2015. Sang năm 2016, khi nhà máy hoạt động đủ công suất, năng lực sản xuất thanh uPVC Profile của Công ty sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay. Nhựa Đông Á có kinh nghiệm sản xuất, am hiểu thị trường, có công nghệ tốt, sẵn mặt bằng nên chất lượng cao và giá cạnh tranh. Do đó, chúng tôi chỉ cần có sản phẩm là sẽ có thêm thị trường”, ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á cho biết.

Nhìn dòng xe xếp hàng dài chờ đến lượt được nhận hàng trước cửa khu nhà xưởng, ông Hùng hiểu rằng, vấn đề quan trọng nhất mà Nhựa Đông Á cần làm là sớm mở rộng năng lực nhà máy hoạt động.

Báo cáo tài chính của Công ty suốt thời gian dài cho thấy, hàng tồn kho chủ yếu là nguyên vật liệu, hàng hóa bán thành phẩm và hàng đang đi đường. 

Dự án mở rộng nhà máy mới sản xuất thanh uPVC Profile dù chưa đưa vào vận hành, đã được 4 khách hàng ký mua 209 tỷ đồng doanh thu sản phảm Shide Profile ngay trong năm nay. Vì thế, câu chuyện của Nhựa Đông Á là làm sao để có tiền đầu tư tăng năng suất đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại lợi ích cho cổ đông và một nỗi lo có lẽ chỉ có riêng ở Nhựa Đông Á là: làm sao để có thêm hàng tồn kho, đề phòng khi máy móc trục trặc, Công ty vẫn giữ được thị phần.

Tất nhiên, quy mô hoạt động tăng, sẽ kéo theo doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng theo. Với việc mở rộng nhà máy Profile, Nhựa Đông Á đang đứng trước giai đoạn tăng trưởng ấn tượng đó.

Hiện nay, sản phẩm thanh Profile đóng góp 35-40% doanh thu toàn Công ty, với tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu khoảng 10%. Từ quý IV/2015, với việc tăng gấp 2,5 lần doanh thu từ sản phẩm, doanh thu toàn Công ty sẽ tăng khoảng 35-40%, kéo theo đó là tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng.

Chỉ tính riêng từ sản xuất thanh Profile, khi nhà máy đi vào hoạt động hết công suất, doanh thu của Nhựa Đông Á có thể đạt mức trên 1.500 tỷ đồng, tương đương mức lợi nhuận gộp khoảng 150 tỷ đồng, lớn hơn 50% so với mức lợi nhuận gộp hiện tại của toàn Công ty, chưa tính đến yếu tố đóng góp lợi nhuận và tăng trưởng kinh doanh của các mảng khác, hiện đang đóng góp trên 60% cơ cấu doanh thu.

uPVC Profile: Dấu ấn Nhựa Đông Á trên thị trường Việt

“Tôi rất tự hào khi sản phẩm thanh Profile thương hiệu Sea Profile, Shide Profile của Tập đoàn Nhựa Đông Á được bình chọn là sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hà Nội năm 2013, bởi đây là giải thưởng có tiêu chuẩn rất khắt khe, với các tiêu chí như: tốc độ tăng trưởng, quy mô sản xuất, năng suất lao động, kim ngạch xuất khẩu, chất lượng sản phẩm, bản quyền, trang thiết bị công nghệ, điều kiện và khả năng đảm bảo phát triển bền vững, có khả năng thúc đẩy các ngành kinh tế kỹ thuật khác và hiệu quả sản xuất kinh doanh của sản phẩm. Tôi tự hào là sản phẩm Việt được thị trường Việt ưa chuộng”, ông Hùng chia sẻ về sản phẩm mà ông và gia đình mình đã gửi gắm cả niềm đam mê, tâm huyết trong đó.

Thế nhưng, nhắc đến sản phẩm uPVC Profile, thị trường bán lẻ nói chung hầu như lạ lẫm. Nhắc đến thương hiệu Nhựa Đông Á, người ta cũng chỉ thấy… quen quen, dù có 1 sự thật là, đến 1 nửa các sản phẩm cửa chịu lực mà thị trường miền Bắc đang sử dụng có sản phẩm thanh Profile do Tập đoàn Nhựa Đông Á sản xuất.

Sea Profile hay Shide Profile - 2 thương hiệu đã được Tập đoàn đăng ký bản quyền sở hữu - là cái tên được hầu hết các nhà sản xuất cửa uPVC có lõi thép gia cường mong muốn sử dụng bởi chất lượng vượt trội, trong khi giá thành cạnh tranh và lại do một thương hiệu có tiếng trong nước sản xuất.

Thế nhưng, chỉ có khoảng 50% nhu cầu khu vực phía Bắc về thanh Profile được Nhựa Đông Á đáp ứng, còn thị trường phía Nam vẫn rất khiêm tốn. Lý do bởi quy mô hoạt động nhà máy của Nhựa Đông Á còn quá nhỏ. Phải chờ đến đầu quý IV/2015 và từ năm 2016, Nhựa Đông Á mới có thể tăng công suất nhà máy, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng cả miền Bắc và miền Nam.

Mục tiêu của Nhựa Đông Á không chỉ là tận dụng tốt nhất thế mạnh của mình để kinh doanh, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động, mà cao hơn, đó là lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khi đẩy lùi được hàng Trung Quốc khỏi thị trường nội địa. Có lẽ, đó là lý do ông Hùng - trong lễ ký kết phân phối sản phẩm Shide Profie với các đại lý - đã nói rằng: “Sắp tới, nhà máy Profile sẽ đạt công suất hàng chục nghìn tấn mỗi năm và nâng cao hơn nữa trong các năm tiếp theo. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của quý vị, vì mối quan hệ tốt đẹp của chúng ta và vì mục tiêu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, dù cung không kịp cầu.

Tin bài liên quan