Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành đánh trống khai hội chùa Keo mùa Thu 2023.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành đánh trống khai hội chùa Keo mùa Thu 2023.

Đặc sắc Khai hội chùa Keo Thái Bình 2023

0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Chùa Keo mùa Thu 2023 được tổ chức trong 6 ngày, khai hội từ ngày 10 đến rằm tháng 9 âm lịch (hội chính) với các hoạt động tín ngưỡng linh thiêng, nghệ thuật dân gian giàu bản sắc dân tộc.

Chùa Keo với bề dày lịch sử hàng ngàn năm tọa lạc trên đất xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là nơi tu tập và thờ tự Lý Quốc Sư Dương Không Lộ. Với quần thể kiến trúc độc đáo gắn kết với bao huyền thoại linh thiêng, Chùa Keo được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, trở thành biểu tượng văn hóa của tỉnh Thái Bình, là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh của khách thập phương cả nước.

Chùa Keo Thái Bình được đánh giá là công trình có quy mô nhất trong các chùa cổ Việt Nam, với nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Tiêu biểu nhất là tòa gác chuông Chùa Keo, cao 11 m, 3 tầng mái, kết cấu bằng các con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ, liên kết với nhau bằng mộng, nâng 12 mái ngói và 12 đao loan. Tầng một treo một khánh đá cao 1,2 m, tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686, cao 1,3 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng 3 và tầng thượng cao 0,62 m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796.

Trong chùa còn lưu giữ những đồ thờ cúng, tương truyền là của Thiền sư Không Lộ, như: bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc vốn làm chén uống nước trong những năm tháng Thiền Sư tu hành.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Đông Hải tặng hoa chúc mừng Lễ hội chùa Keo mùa Thu 2023.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Đông Hải tặng hoa chúc mừng Lễ hội chùa Keo mùa Thu 2023.

Đặc biệt, tượng Thiền sư Không Lộ ngàn năm tuổi được tạc bằng gỗ trầm hương, được bảo quản nghiêm ngặt trong cung cấm. Bên cạnh gác chuông còn hiện diện tảng đá mài và một giếng nước, thành giếng được xếp bằng 36 cối đá thủng, từng được dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa khi xưa.

Tháng 4/1962, Chùa Keo được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia. Tháng 9/2012 Chùa Keo được Bộ Văn hóa cấp Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Tháng 10/2017, chùa đón nhận Bằng ghi danh lễ hội Chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Năm nay, lễ hội Chùa Keo mùa Thu 2023 được tổ chức trong 6 ngày, khai hội từ ngày 10 đến rằm tháng 9 âm lịch ( hội chính ) với các hoạt động tín ngưỡng linh thiêng, nghệ thuật dân gian giàu bản sắc dân tộc, với sự tham gia của hàng ngàn người. Như lễ khai chỉ, lễ rước Thánh, hát chèo, hát giao duyên, múa rối nước...

Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đất Phật” tại khai mạc lễ hội.

Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đất Phật” tại khai mạc lễ hội.

Tại lễ khai mạc, nhân dân địa phương cùng du khách thập phương đã được theo dõi chương trình nghệ thuật mang âm hưởng sử thi “Linh thiêng đất Phật”. Với bố cục 3 chương: Huyền tích chùa Keo, Về miền di sản, Vẻ đẹp bất tận, chương trình được lên kịch bản bởi nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, Bùi Gia Huân; được cố vấn lịch sử bởi Giáo sư sử học Lê Văn Lan.

Chương trình có sự tham gia của khoảng 300 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên đến từ các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Các nghệ sĩ đã tái hiện một số hình thức múa dân gian tiêu biểu của Thái Bình như múa ếch vồ, múa chèo chải cạn. Xuyên suốt chương trình có sự kết hợp hài hòa của những ca khúc tiêu biểu về Thái Bình được sáng tác qua các thời kỳ với sự tổng hòa của các thủ pháp nghệ thuật như lời bình, cảnh diễn, âm thanh, ánh sáng...

Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, Trưởng ban chỉ đạo lễ hội trao tặng bức tranh chùa Keo tri ân các doanh nghiệp tài trợ cho lễ hội năm nay.

Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, Trưởng ban chỉ đạo lễ hội trao tặng bức tranh chùa Keo tri ân các doanh nghiệp tài trợ cho lễ hội năm nay.

Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đất Phật” không chỉ là điểm nhấn tại lễ hội mà còn góp phần tô đậm những giá trị truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương Thái Bình; giới thiệu tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển các tour, tuyến du lịch tâm linh, sinh thái, mời gọi các nhà đầu tư về với Thái Bình.

Đáng chú ý tại lễ hội Chùa Keo năm nay, huyện Vũ Thư đồng tổ chức Hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá các sản vật độc đáo tới du khách thập phương.

Tin bài liên quan