Việc áp dụng CNTT trong giao dịch giúp khoảng cách giữ NĐT VIP và NĐT thông thường không còn xa như trước - Ảnh minh họa: Đức Thanh

Việc áp dụng CNTT trong giao dịch giúp khoảng cách giữ NĐT VIP và NĐT thông thường không còn xa như trước - Ảnh minh họa: Đức Thanh

Đặc quyền khách VIP

Cách đây 2 năm, chi nhánh giao dịch của CTCK S. mới mở trên đường Cách mạng Tháng Tám, TP. HCM đón một nhà đầu tư VIP. Số tiền mà nhà đầu tư này chuyển vào tài khoản của CTCK S. trong ngày đầu tiên là 20 tỷ đồng. Để tiền được chuyển vào tài khoản ngay lập tức, một xe ôtô với 2 bảo vệ được cử đi tháp tùng nhà đầu tư rút tiền từ tài khoản cũ chuyển về tài khoán mới ở CTCK S.

Nhà đầu tư VIP này cũng kéo theo khoảng năm, bảy nhà đầu tư thuộc tầm nhỡ nhỡ khác, có số vốn vài tỷ đồng về giao dịch tại CTCK S. Trong vài tháng đầu tiên, nhóm nhà đầu tư này “nuôi” cả chi nhánh mới mở của CTCK S. Một phòng VIP dành cho nhóm nhà đầu tư này với một đường dây điện thoại riêng gọi thẳng cho đại lý nhận lệnh. Đặc biệt, mỗi buổi chiều, một nhân viên môi giới và một kế toán được cử ra để giúp các nhà đầu tư tính toán tiền hàng giao dịch trong ngày. Gần đây, nhờ sự ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, khoảng cách giữa nhà đầu tư VIP và nhà đầu tư bình thường không còn quá xa như trước. Ưu thế tranh lệnh không còn, chính sách của các CTCK trong thu hút nhà đầu tư lúc này tập trung vào việc cho họ sử dụng đòn bẩy tài chính.

Lời mời mở tài khoản của một nhân viên môi giới CTCK V. dành cho nhà đầu tư lúc này là: “Chị mở tài khoản công ty em. Tài khoản chị có 2 tỷ đồng, em cho chị mượn 1,5 tỷ đồng để chị đánh T cộng vô tư luôn” (tức là thời gian mượn có thể tới 60 ngày, chứ không chỉ hai, ba ngày chờ chứng khoán về tài khoản).

Theo chính sách chung của CTCK này thì mỗi tài khoản của khách hàng có thể vay từ 1 tỷ đồng cho đến 6 tỷ đồng để lướt sóng. Nhưng cụ thể mức bao nhiêu thì nhân viên môi giới chăm sóc khách hàng đó là người đề xuất, tùy theo giá trị giao dịch mỗi ngày của khách hàng.

Để kiểm soát rủi ro, tùy từng giai đoạn của thị trường, giám đốc CTCK V. quyết định có cho khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính hay không và thời gian là bao nhiêu? Ví dụ, hồi tháng 6, công ty này đã ngừng chính sách hỗ trợ tài chính, nhưng sang đến tháng 7 lại tiếp tục áp dụng.

Đặc điểm hỗ trợ khách hàng VIP hiện nay là hỗ trợ trên diện rộng, hỗ trợ cho một nhóm nhà đầu tư cùng mở tài khoản tại công ty và cùng đánh một cổ phiếu.

Để chắc chắn, một số CTCK còn phân tích, phát hiện cổ phiếu tiềm năng và thông tin cho nhà đầu tư ruột, đồng thời cung cấp tài chính dồi dào cho họ theo tỷ lệ vốn tự có của mỗi nhà đầu tư để họ mua gom cổ phiếu. Hình thức này vừa giúp CTCK tránh rủi ro khi nhà đầu tư sử dụng vốn vay kém hiệu quả, có thể bị thua lỗ, vừa đem lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư.

Nổi lên trong thời gian gần đây là CTCK T. thuộc một ngân hàng, khá tích cực trong việc cung cấp dịch vụ tài chính như cầm cố, thế chấp cổ phiếu cho nhà đầu tư. Xét thấy một cổ phiếu tiềm năng, CTCK này sẵn sàng nâng tỷ lệ cầm cố, repo cổ phiếu lên cao hơn các công ty khác khoảng 5 - 10% để khách hàng chuyển tài khoản về công ty mình. Chênh lệch tỷ lệ cầm cố, repo 5 - 10% cũng giúp khách hàng có thêm 5 - 7 tỷ đồng quay vòng vốn. Tuy nhiên, dịch vụ này không được quảng cáo rầm rộ, mà là chính sách các nhân viên môi giới rỉ tai nhà đầu tư khi họ có nhu cầu hỏi đến.