Chứng khoán Mỹ và Nhật Bản lập đỉnh mới
Tại Mỹ, thị trường chứng khoán ghi nhận khởi đầu quý III/2024 trong trạng thái tích cực, với cả 3 chỉ số đều khép lại tuần giao dịch trong sắc xanh. Trong đó, S&P 500 và Nasdaq Composite thiết lập mức kỷ lục mới. Các cổ phiếu công nghệ như Tesla, Nvidia vẫn là tâm điểm hỗ trợ cho thị trường.
Bên cạnh đó, dữ liệu về thị trường lao động theo báo cáo việc làm quốc gia ADP công bố ngày 3/7 cho thấy, khu vực tư nhân tại Mỹ tạo ra 150.000 việc làm trong tháng 6, thấp hơn so với dự báo của Dow Jones là 160.000 và giảm so với mức 157.000 trong tháng 5. Đây là tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận việc làm mới suy giảm.
Dữ liệu về thị trường lao động giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư vào kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 9/2024.
Ngoài ra, chỉ số PMI sản xuất toàn cầu của J.P. Morgan đạt 50,9 trong tháng 6, giảm nhẹ so với mức cao nhất của tháng 5 là 51,0, nhưng chỉ số duy trì trên mức trung tính 50 báo hiệu các điều kiện hoạt động được cải thiện trong 5 tháng liên tiếp. Bốn trong số 5 chỉ số phụ PMI ở mức phù hợp với mức tăng trưởng trong tháng 6, với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm đều tăng và thời gian giao hàng của nhà cung cấp kéo dài. Ngược lại, tồn kho hàng mua giảm nhẹ trong tháng thứ tư liên tiếp.
Nền giá tích lũy chặt chẽ, dư địa tăng rộng dựa trên nền tảng cơ bản vững vàng là đặc điểm của những cổ phiếu tiềm năng cần được chú ý trong các phiên rung lắc - cơ hội mua vào các cổ phiếu mục tiêu được chọn lọc kỹ càng.
Trong số 30 quốc gia hiện có dữ liệu PMI tháng 6, 18 nước ghi nhận sản lượng tăng, bao gồm 10 nước ở châu Á, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản.
Tại châu Á, thị trường chứng khoán tiếp tục giao dịch trong trạng thái ổn định sau khi xu hướng kinh tế tăng trưởng và lạm phát toàn cầu đang đi đúng hướng, các chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả. Trong đó, chỉ số chứng khoán của Nhật Bản lập đỉnh mới, với sự hứng khởi khi nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng. Gần như toàn bộ 33 nhóm ngành con trong chỉ số Topix, bao gồm hơn 2.000 công ty, đều tăng, nhất là nhóm sản xuất ô tô, bảo hiểm và ngân hàng. Chỉ số Nikkei 225 Stock Average, bao gồm các công ty blue-chip, cũng phá vỡ kỷ lục cũ, nhờ vào sự phục hồi của ngành công nghệ toàn cầu và đồng Yên yếu hơn, giúp thúc đẩy xuất khẩu.
Với mặt hàng dầu, giá duy trì sự ổn định gần mức cao nhất trong 2 tháng qua, do dấu hiệu về nhu cầu yếu hơn ở châu Á cùng với sự sụt giảm của kho dự trữ dầu thô của Mỹ (giảm hơn 12 triệu thùng trong tuần trước đó). Giá dầu WTI đạt 84 USD/thùng, giá dầu Brent đạt hơn 87 USD/thùng.
VN-Index hồi phục tích cực
Khởi đầu tháng 7/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một tuần tăng điểm, lấy lại toàn bộ những gì đã đánh mất ở tuần cuối tháng 6. Hỗ trợ cho sự hồi phục này là yếu tố liên thị trường và dữ liệu kinh tế vĩ mô quý II/2024 có nhiều khởi sắc. GDP quý II tăng trưởng bất ngờ, đạt 6,93%, nhờ sự tăng trưởng 10% của ngành sản xuất, dẫn đầu là hoạt động xuất khẩu. Kết quả này đã nâng mức tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm nay lên 6,42%, vượt xa so với các dự báo và HSC đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm thêm 0,4%, lên 6,2%.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hồi phục tích cực sau khi nhúng xuống vùng hỗ trợ 1.240 - 1.250 điểm trong tuần liền trước. Mặc dù tâm lý nôn nóng đã có dấu hiệu xuất hiện khi số lượng cổ phiếu cân bằng và hồi phục giá đang cải thiện dần, nhưng thanh khoản thấp cho thấy cầu lớn chưa vào, tiết cung vẫn là động lực hồi phục ngắn hạn. Thanh khoản trong các phiên hồi phục sụt giảm, đều dưới mức bình quân 20 ngày. Theo đó, áp lực rung lắc có thể diễn ra tại vùng kháng cự mạnh, nên thanh khoản là yếu tố cần tiếp tục theo dõi và cần được cải thiện với cầu chủ động quyết liệt hơn để củng cố xu hướng tăng.
Hiện VN-Index đã trở lại phía trên ngưỡng 1.270 điểm, ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn đã đánh mất trước đó. Nếu như trong các phiên rung lắc, vùng hỗ trợ này được giữ vững thì đây sẽ là điểm cộng giúp cải thiện tâm lý mua ngắn hạn. Khi nền giá mới được củng cố, sự tự tin và chủ động trong các hoạt động giải ngân là yếu tố quan trọng tạo nên xu thế tăng bền vững. Ngưỡng mục tiêu kỳ vọng cho chỉ số chung vẫn là quanh 1.300 điểm.
Các chỉ báo định lượng ghi nhận sự cải thiện, nhưng chưa đạt tín hiệu đảo pha giữa cầu và cung, do đó chưa xác nhận thị trường bước vào pha tăng giá. Mặc dù vậy, trọng tâm hỗ trợ VN-Index được duy trì, trong đó có sự đóng góp của những trọng số lớn của nhóm ngân hàng (VCB, BID) và các cổ phiếu thuộc rổ VN30. Đây là nhân tố quan trọng mang tính dẫn dắt và củng cố xu thế đi lên trong thời gian tới. Khi tín hiệu hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp diễn, thị trường sẽ càng có điều kiện để bước vào nhịp tăng mới, từ đó vấn đề cải thiện thanh khoản không còn quá khó khăn.
Trong bối cảnh thanh khoản thấp, dòng tiền có sự luân chuyển qua các nhóm ngành như bán lẻ, xuất khẩu thủy sản, dệt may, hóa chất, công nghệ, dầu khí.
Nhìn chung, vận động thị trường phản ánh sự lạc quan của nhà đầu tư đối với triển vọng phục hồi. Nếu xu hướng này được duy trì, có thể kỳ vọng vào những phiên giao dịch sôi động và tích cực hơn trong tuần này, đặc biệt khi mùa công bố báo cáo tài chính quý II đang đến gần, hứa hẹn mang lại nhiều thông tin hỗ trợ cho thị trường.
Để có một đợt tăng bền vững và mạnh mẽ hơn, thị trường cần sự cải thiện về dòng tiền cũng như sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Do đó, các yếu tố trọng yếu vẫn sẽ cần có sự quyết liệt hơn để củng cố cho xu hướng tăng điểm.
Dựa trên vận động hồi phục có được trong tuần qua, thanh khoản ở mức thấp và chưa có dấu hiệu cải thiện, khả năng VN-Index “rung giật” có thể xuất hiện. Dù vậy, đây được coi là bài kiểm tra cần thiết đối với các vị thế giao dịch ngắn hạn để tìm kiếm những cổ phiếu mục tiêu thỏa mãn các tiêu chí giải ngân mới. Nền giá tích lũy chặt chẽ, dư địa tăng rộng dựa trên nền tảng cơ bản vững vàng là đặc điểm của những cổ phiếu tiềm năng cần được chú ý trong các phiên rung lắc - cơ hội mua vào các cổ phiếu mục tiêu được chọn lọc kỹ càng.