Đặc biệt quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp, đưa GDP về đích

0:00 / 0:00
0:00
Trong báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, khai mạc sáng nay (22/5), Chính phủ nhấn mạnh hơn khó khăn của khu vực doanh nghiệp - vấn đề được các cơ quan của Quốc hội cho rằng cần đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hiện nay.
Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội theo 2 đợt. Trong ảnh: Một phiên họp toàn thể của Kỳ họp thứ tư

Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội theo 2 đợt. Trong ảnh: Một phiên họp toàn thể của Kỳ họp thứ tư

Doanh nghiệp và người dân đang rất khó khăn

Sáng nay, ngay trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV nghe Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và tình hình những tháng đầu năm 2023.

Do giới hạn về thời gian, nên báo cáo này thường được chuẩn bị riêng. Tuy nhiên, báo cáo đầy đủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng ký đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội từ ngày 17/5.

Ngày 17/5, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tăng trưởng GDP trong quý I/2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, thì cả năm, Việt Nam vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%.

Vẫn theo Tổng Bí thư, để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ, thì tăng trưởng bình quân 3 năm 2023 - 2025 phải đạt khoảng 7,3%. “Đây là mức rất cao, đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết tâm rất cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Nhiều khó khăn của nền kinh tế cũng được Tổng Bí thư đề cập, như thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn sẽ gặp nhiều khó khăn; lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, sức ép lạm phát còn lớn.

“Hoạt động sản xuất - kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn…”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá.

Đây cũng là những vấn đề được nhiều cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại khi thẩm tra và cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội. “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri là doanh nghiệp, người ta nói đã dùng hết những đồng dự trữ cuối cùng của họ để trang trải trong 2 năm vừa rồi, bây giờ không còn gì nữa, không còn dư địa nào để làm”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.

“Nền kinh tế thiếu tiền, nhưng đầu tư công còn triệu tỷ đồng trong ngân hàng, các khoản của ngân sách còn triệu tỷ đồng không ra được, lạm phát thấp, lãi suất cao, toàn những nghịch lý cả”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sốt ruột.

Dẫn số liệu thống kê 4 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới là 78.900, còn số rút lui khỏi thị trường là 77.000, Chủ tịch Quốc hội so sánh “số thành lập mới tăng 2%, nhưng số rút lui khỏi thị trường tăng đến 25%, bản thân con số nói lên tất cả”. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phân tích tình hình trên cơ sở số liệu này ở báo cáo gửi Quốc hội.

“Số rút lui khỏi thị trường gần bằng số thành lập mới và quay trở lại hoạt động, gần như không có tăng trưởng về doanh nghiệp. Xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn nữa trong những tháng tới đây. Phải nhận diện cho rõ vấn đề này. Rõ ràng, các thị trường vẫn đang vướng mắc, doanh nghiệp và người dân đang rất khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh ở nhiều ngành, lĩnh vực đang rất khó khăn, đòi hỏi phải triển khai nhanh các giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền, qua đó tăng niềm tin kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Thanh Huyền
Hoạt động sản xuất - kinh doanh ở nhiều ngành, lĩnh vực đang rất khó khăn, đòi hỏi phải triển khai nhanh các giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền, qua đó tăng niềm tin kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Thanh Huyền

Vẫn có động lực để phấn đấu

Giải trình tại phiên thảo luận nói trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận rất thẳng thắn rằng, “nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán và bán có 50% giá thực”.

Ở báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, Bộ trưởng đã bổ sung đánh giá về tình hình doanh nghiệp. Đó là áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp bất động sản trong những tháng đầu năm, cả năm và năm 2024 rất lớn; xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp diễn sang quý I/2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động”, báo cáo của Chính phủ nêu.

Nhận định thời gian tới còn nhiều thách thức, song Chính phủ cho rằng, vẫn có những động lực quan trọng để tiếp tục phấn đấu nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2023. Chẳng hạn, nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy tác động tích cực. Đặc biệt, các giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, đầu tư, xuất nhập khẩu, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu... đi vào cuộc sống.

Sau kỳ họp này của Quốc hội, nền kinh tế sẽ có thêm điểm tựa, bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình Quốc hội xem xét giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý tiếp tục trình Quốc hội giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại. Nếu được Quốc hội thông qua, nền kinh tế sẽ có thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng cho các dự án đầu tư công mà theo Chính phủ, nếu được triển khai thực hiện, đưa vào khai thác, sẽ góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo không gian, động lực phát triển mới cho các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương.

Cũng cần phải nói thêm, quyết định này không dễ dàng để đưa ra, bởi theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, thì sau ngày 31/3/2023, số vốn chưa phân bổ không thực hiện phân bổ tiếp.

Ngoài ra, góp phần khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thêm 17.100 tỷ đồng sẽ được trình Quốc hội. Vấn đề này, theo Chủ tịch Quốc hội, lẽ ra phải quyết định từ Kỳ họp thứ ba (giữa năm 2022).

Để kịp thời phúc đáp yêu cầu của cuộc sống, Quốc hội đương nhiệm đã hơn một lần “ngoại lệ”. Nhưng dù là ngoại lệ hay đặc cách, đặc thù, thì cũng không thể nóng vội. Tất cả các nội dung của kỳ họp đều đã được các cơ quan chuyên trách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng lên, đặt xuống, cân nhắc kỹ càng.

Ở phiên họp cuối cùng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ năm của Quốc hội (sáng 13/5), nêu rõ tình trạng nhiều hồ sơ gửi rất chậm, Chủ tịch Quốc hội nói rõ: “Tất cả tài liệu phải gửi đại biểu Quốc hội trước ít nhất 20 ngày, mà ngày 22/5 là khai mạc rồi, nếu gửi chậm là Quốc hội bác, mình không có lý do gì để nói cả. Cá nhân tôi rất nhiều lần phải đứng ra xin lỗi Quốc hội về chuyện chậm tài liệu”.

Liên quan đến việc chậm trễ một số nội dung trình Quốc hội, làm việc với Đảng đoàn Quốc hội chiều 18/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói, hạn chế này có phần trách nhiệm của Ban Cán sự đảng Chính phủ. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ của Quốc hội trong điều kiện khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung khó, vừa phải bảo đảm tiến độ, đồng thời phải bảo đảm chất lượng, nhiều nội dung phải thảo luận, cho ý kiến nhiều lần để đi đến thống nhất.

Quốc hội làm nhân sự

Theo chương trình dự kiến, cuối buổi sáng và cả chiều nay (22/5), Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự. Thông tin từ cuộc họp báo trước kỳ họp cho biết, Quốc hội sẽ miễn nhiệm, bầu Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Quốc hội cũng sẽ xem xét miễn nhiệm, phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quốc hội họp trực tiếp, chia hai đợt

Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/5/2023, dự kiến bế mạc ngày 23/6/2023. Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội theo 2 đợt, đợt 1 từ ngày 22/5 đến 10/6/2023, đợt 2 từ ngày 19/6 đến 23/6/2023.

Tin bài liên quan