Đặc biệt chú ý đến số liệu thực chất của nợ xấu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh Duy Linh).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh Duy Linh).

Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một trong các thách thức của nền kinh tế là nợ xấu ngân hàng có xu hướng tiếp tục tăng và áp lực gia tăng vốn điều lệ.

Tiếp tục phiên họp thứ 57, sáng 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm.

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có nợ xấu để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng.

Báo cáo rõ kết quả xử lý nợ xấu

Theo nhận định của cơ quan thẩm tra, hầu hết doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ở cả đầu vào và đầu ra, không đáp ứng được điều kiện vay vốn, chưa có phương án kinh doanh hiệu quả, do đó dù mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận cao thể hiện những nỗ lực của ngành ngân hàng, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá rõ nguồn thu của các ngân hàng từ dịch vụ khác, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay, thu hồi nợ xấu và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng... để xem xét tính bền vững của tăng trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Báo cáo thẩm tra cũng dẫn thông tin tại thời điểm đầu tháng 4/2021 của Công ty Chứng khoán SSI, việc lãi suất cho vay đã giảm từ 1 - 1,5% chậm hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2 - 2,5%) trong năm 2020, đã khiến biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%.

Số liệu thống kê của FiinGroup cho biết, NIM của 26 ngân hàng đã đạt mức 3,84% trong năm 2020. Trong đó, tỷ lệ cao nhất thuộc về VPBank (9,06%); Techcombank (5,75%); MBBank (5,42%); OCB (4,78%).

Vẫn trong lĩnh vực ngân hàng, Thường trực Ủy ban Kinh tế còn đề nghị Chính phủ báo cáo rõ kết quả xử lý nợ xấu, tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và xu hướng gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt chú ý đến số liệu thực chất của nợ xấu chưa được phản ánh đầy đủ tại báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng do thực hiện quy định về giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Bổ sung kết quả triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng đã mua bắt buộc và ngân hàng thương mại yếu kém được kiểm soát đặc biệt cũng là đề nghị từ cơ quan thẩm tra.

Trước đó, quá trình thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, một số thành viên Ủy ban đã đặt câu hỏi, vì sao doanh nghiệp khó khăn mà ngân hàng lãi khủng.

Và giải thích của đại diện Hiệp hội Ngân hàng là, việc các ngân hàng thương mại có lợi nhuận tăng cao vừa qua có sự đóng góp quan trọng của việc xử lý được các tài sản bảo đảm của những khoản nợ xấu mà ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu nội bảng đến hiện nay so với cuối 2020 đang là 1,76%, tăng hơn so với cuối 2020 (lúc đó 1,69%), đến đầu tháng 6 có thể là 1,78%.

"Nếu tính thêm các khoản nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho VAMC, nợ có khả năng trở thành nợ xấu, thì khoảng 3,54%. Chúng tôi cũng tính toán 3 kịch bản của nền kinh tế trong năm nay để xác định nợ xấu và đánh giá cơ cấu lại nợ của các ngân hàng thương mại. Nợ xấu nội bảng có thể 1,54 - 1,91% vào cuối năm nay", ông Tú nói tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế ngày 10/6 vừa qua.

Vẫn theo Phó thống đốc, cộng tất cả các khoản nợ xấu nội bảng, bán cho VAMC chưa được xử lý, tiềm ẩn trở thành nợ xấu… thì khoảng 3,43 - 3,84%.

Còn nếu tính toán theo thông tư 01, 03 (liên quan đến có cấu lại thời hạn trả nợ - PV) thì có thể tổng số nợ xấu trong hệ thống khoảng 4,56 - 4,98%, ông Tú nêu con số Ngân hàng Nhà nước tính toán.

"Bảo không có nợ xấu thì rất phi lý, không phải ngân hàng làm ra nợ xấu mà nợ xấu của nền kinh tế, của dịch Covid-19 làm ra nợ xấu. Nhưng chúng ta phải nhìn một cách rất khách quan đầy đủ để có biện pháp xử lý. Đây là tính toán với điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát sớm. Như các đồng chí nói, doanh nghiệp lớn còn vỡ, nó vỡ là nợ xấu rồi, càng vỡ nhiều thì nợ xấu càng tăng", ông Tú phát biểu tại Ủy ban Kinh tế.

Rất chú ý nợ xấu của BOT

Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một trong các thách thức của nền kinh tế là nợ xấu ngân hàng có xu hướng tiếp tục tăng và áp lực gia tăng vốn điều lệ.

"Tôi rất quan tâm đến nợ xấu của gói tín dụng cho BOT của đường Quốc lộ 1A. Vừa rồi nợ xấu vượt mức 2% rồi, nhưng vẫn còn thấp là vì các đồng chí cho cơ cấu lại nợ nhưng lại không chuyển nhóm nợ. Nếu chuyển nhóm nợ thì còn tăng cao hơn nữa, cho nên tới đây tính gì phải tính, tiền đâu để làm cái nọ, cái kia", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt câu hỏi Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói là năm tới vốn BOT cho các đường cao tốc đến hơn 300.000 tỷ đồng thì lấy tiền đâu ra?

Dự án đường cao tốc có 11 gói vừa rồi Chính phủ xin thì Quốc hội cho 8 gói là BOT, 3 gói là đầu tư công, sau 1 năm loay hoay mãi cuối cùng xin thêm 4 gói nữa làm đầu tư công, chỉ có 4 gói BOT, Chủ tịch Quốc hội nói thêm.

Ông dẫn chứng thêm đường Trung Lương - Mỹ Thuận, khi còn làm Phó thủ tướng ông với Thống đốc cũng hết bao nhiêu công sức trong 2 năm mới giải quyết được khoảng 7.000 tỷ đồng tín dụng, mà 3 ngân hàng trong Big 4 gộp lại mới vay được 7.000 tỷ đồng để làm BOT.

"Tôi không biết tới đây làm BOT thì các đồng chí vẽ ra đâu lắm tiền, tiền đâu để cho vay. Chỗ này chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, chứ chúng ta đừng có nói nói lạc quan quá cuối cùng chúng ta không làm được. Phải rất chú ý nợ xấu của BOT. Vấn đề này phải có số, báo cáo anh Thanh (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - PV) phải yêu cầu Ngân hàng nhà nước công bố số này. 71 gói trên 100.000 tỷ có đúng không? Chưa chuyển nhóm nợ đã gần 100.000 tỷ, tức là thành nợ xấu rồi", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Tin bài liên quan