Chủ tịch HĐQT DBC cho biết, ông và đội ngũ lãnh đạo Công ty đã từng rất hoang mang với dự án này, cột mốc đưa vào sản xuất thương mại vaccine lùi sang cuối năm 2023. Cụ thể, DBC đã đầu tư vào nhà máy vaccine 300 tỷ đồng.
Nếu vaccine thành công, Chủ tịch Dabaco khẳng định, sẽ hướng đến xuất khẩu. Theo kế hoạch được chia sẻ tại Đại hội cổ đông năm 2023, Công ty dự kiến sản xuất vaccine thương mại sớm nhất quý IV/2023, đặt mục tiêu làm 3 loại vaccine đầu tiên.
Ngoài vaccine dịch tả lợn châu Phi đang nghiên cứu, Công ty ký hợp đồng sản xuất dịch tả lợn cổ điển và hướng đến sản xuất vaccine dịch lở mồm long móng. Không riêng việc thử nghiệm vaccine, việc xây dựng nhà máy cũng phức tạp hơn dự kiến.
Dịch tả lợn Châu Phi là loại bệnh truyền nhiễm do một loại virus gây bệnh sốt xuất huyết gây ra. Bệnh có tốc độ lây rất nhanh và xảy ra với mọi loài lợn, gây thiệt hại nghiêm trọng vì tỷ lệ chết lên đến 100%. Virus gây bệnh lý này có sức đề kháng khá cao với môi trường nên tuy đã khỏi bệnh nhưng lợn từng mắc bệnh có thể mang virus trong thời gian dài và trở thành vật chủ mang trùng suốt đời.
Liên quan đến vấn đề vắc xin, DBC cho biết, Công ty đã phối hợp chặt chẽ của Bộ NN&PTNT, Cục thú y cùng các đơn vị chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đã sớm nghiên cứu thành công dịch tả lợn châu Phi, gấp rút đưa vào thử nghiệm để sớm sản xuất thương mại.
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã công nhận 2 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam được phép sản xuất thương mại và lưu hành trên cả nước.
Riêng đối với vắc xin do DBC thử nghiệm, hiện Công ty vẫn đang trong giai đoạn cuối cùng để có thể đưa sản phẩm ra thương mại hóa. Năm 2022, DBC đã xây dựng Nhà máy sản xuất vắc xin nên ngay khi được cấp phép thương mại hóa thì Công ty có thể sản xuất được đại trà.
Thị trường vắc xin dịch tả lợn châu Phi được giới chuyên môn đánh giá là một thị trường lớn, quy mô hàng tỷ USD khi mà nhiều quốc gia trên thế giới chưa có giải pháp cho dịch bệnh này. Đây cũng là điều lãnh đạo DBC kỳ vọng, khi đưa vào sản xuất đại trà vắc xin sẽ tạo thêm nguồn thu bền vững cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới.
DBC cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Theo đó, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 3.473 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5.787 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý II/2023 đạt 327 tỷ đồng, gấp 23 lần so với con số cùng kỳ năm 2022 là 14 tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận quý II/2023 ấn tượng, Dabaco đã đủ để bù lỗ 320,73 tỷ đồng của quý I/2021 và ghi nhận lợi nhuận dương trong 6 tháng đầu năm, như ông Nguyễn Khắc Thảo, Tổng giám đốc DBC đã dự báo trước đó.
Cũng theo lãnh đạo DBC, Công ty đang cố gắng để hoàn thành mục tiêu của năm 2023 với 24.562 tỷ đồng doanh thu (bao gồm cả doanh thu nội bộ) (tăng 14% so với thực hiện năm 2022 trên cơ sở so sánh tương đương) và 569 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 113 lần). Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử, nếu Công ty đạt được kế hoạch.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu DBC tăng 3,4% lên mức 26.000 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 7,55 triệu đơn vị.