Đã xuất hiện băn khoăn với quy định áp trần giá sữa

Đã xuất hiện băn khoăn với quy định áp trần giá sữa

Trong khi người tiêu dùng phấn khởi trước quyết tâm bình ổn giá của Bộ Tài chính, trong đó, quy định giá sữa bột bán lẻ không được vượt quá 15% giá tối đa trong khâu bán buôn, thì nhiều doanh nghiệp kinh doanh sữa lại băn khoăn.

Được biết, thời gian áp trần giá sữa bắt đầu từ ngày 1/6/2014, thực hiện trong khâu bán buôn chậm nhất từ 10 ngày sau khi Quyết định 1079/Qđ-BTC có hiệu lực, thực hiện trong khâu bán lẻ chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), doanh nghiệp có 5 sản phẩm sữa bị áp giá trần cho hay, việc áp giá trần lần này gây thua lỗ cho doanh nghiệp. Theo mức giá mới, các sản phẩm nằm trong danh mục bình ổn của Công ty sẽ chịu lỗ khoảng 4%. “Nếu điều chỉnh đúng với giá trần, các mặt hàng của Vinamilk phải giảm trung bình 21% và doanh nghiệp sẽ lo”, Giám đốc đối ngoại Vinamilk, bà Bùi Thị Hương cho hay.

Một “ông lớn” khác là Mead Johnson Nutrition Việt Nam phản ứng rằng, chính sách áp trần giá sữa sẽ tạo gánh nặng cho các nhà bán buôn, bán lẻ và siêu thị.

Tuy nhiên, điệp khúc kêu lỗ của các doanh nghiệp sữa dường như không nhận được bất cứ sự chia sẻ nào trong thời điểm này, khi mà điệp khúc chỉ có tăng mà không giảm đã diễn ra trong cả một thời gian dài, đổ gánh nặng tài chính lên vai người tiêu dùng.

Quan trọng hơn, nguyên nhân lớn dẫn đến việc cơ quan quản lý nhà nước phải dùng đến biện pháp mạnh bình ổn giá, là đã phát hiện không ít sai phạm của các doanh nghiệp này trong quá trình kinh doanh sau đợt thanh tra tại 5 doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, trong 5 doanh nghiệp bị thanh tra (Vinamilk, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty Friesland Campina Việt Nam, Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam và Công ty cổ phần Dinh dưỡng 3A), chỉ có Vinamilk thực hiện đúng quy định về chi phí quảng cáo tiếp thị, trong khi 4 doanh nghiệp còn lại đều chi vượt mức quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền hơn 386 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân cơ bản làm tăng giá thành, tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Một diễn biến khác trên thị trường sữa là, ngay sau khi Bộ Tài chính công bố sẽ áp trần giá sữa, Abbott, một trong 5 doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn trên thị trường, ngay lập tức có động thái tăng giá sữa với dòng sản phẩm PediaSure BA dành cho trẻ em 1 đến 10 tuổi. Chiêu thức tăng giá của Abbott đã được thực hiện khá tinh vi là giảm trọng lượng sữa đóng hộp từ 900 gr  xuống còn 850 gr, nhưng giá bán không thay đổi.

Ông Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, theo Thông tư 30/2013/TT-BYT, ngày 4/10/2013, sản phẩm PediaSure vẫn nằm trong danh mục bình ổn giá và đề nghị doanh nghiệp đăng ký lại giá với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) theo quy định.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, PediaSure nằm trong diện đăng ký giá. Thế nhưng, Cục Quản lý giá chưa nhận được bất kỳ đăng ký nào từ hãng sữa này sau khi PediaSure giữ nguyên giá và giảm khối lượng sữa đóng hộp.

Tuy nhiên, thay vì phải kiên quyết để áp trần giá sữa, làm lành mạnh thị trường sữa, thì chính các cơ quan quản lý cũng khá lúng túng.

Ngay sau khi đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định, sản phẩm PediaSure thuộc diện bình ổn giá, thì sau đó không lâu, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản chính thức xác nhận sản phẩm PediaSure của Abbott không thuộc danh mục bình ổn giá.

Văn bản của Cục An toàn thực phẩm giải thích rằng, sản phẩm PediaSure cho trẻ 1 - 10 tuổi là sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng có thể dùng qua ống xông cho bệnh nhân, thành phần không chứa sữa và không phải là sản phẩm dinh dưỡng công thức theo các tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành, nên không thuộc danh mục sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải bình ổn giá theo Thông tư 30/2013/TT-BYT. Điều này đồng nghĩa sản phẩm này không phải kê khai giá  với Cục Quản lý giá.

Dù có sự vênh nhau trong các cơ quan quản lý, thì quyết định áp trần giá sữa để bình ổn giá cũng đã được ban hành, buộc doanh nghiệp phải tự điều chỉnh hoạt động kinh doanh, thực hiện đúng quy định quảng cáo, đưa giá sữa về đúng mặt bằng. Điều còn lại là, các cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ và quyết liệt hơn việc chấp hành kê khai, đăng ký giá của doanh nghiệp sữa, tránh việc doanh nghiệp tận dụng kẽ hở, lách luật để tăng giá.

Tin bài liên quan