“Tăng trưởng thu nhập thực ở Việt Nam còn khiêm tốn. Thu nhập bình quân hàng tháng ở mức 7,45 triệu đồng tại thời điểm tháng 6/2024, tương đương tốc độ tăng trưởng 7% (theo giá hiện hành) so với cùng kỳ năm trước”. Đây là thông tin được trích trong Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam, do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.
Theo WB, thu nhập thực của người lao động chưa tăng mạnh kể từ năm 2022. Thậm chí, mức tăng còn thấp hơn thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Còn theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân trong năm 2023 (theo giá hiện hành) đạt 4,96 triệu đồng/tháng, tăng 6,2% so với năm 2022. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đạt 6,869 triệu đồng/tháng, tăng 6,5% so với năm 2022. Con số này xếp thứ hai cả nước (sau Bình Dương).
Tuy nhiên, khi đối chiếu sang thị trường bất động sản, mức tăng trên không thể sánh lại với đà tăng “thần tốc” của giá nhà ở nói chung và chung cư nói riêng. Sau khi Bộ Xây dựng khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn, giá căn hộ chung cư trong quý II/2024 đã tăng trung bình khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà tăng này không chỉ xuất hiện tại những dự án mới, mà còn diễn ra ở các chung cư cũ, đã qua sử dụng nhiều năm.
Riêng tại thị trường Hà Nội, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam cho biết, giá bán chung cư sơ cấp trong quý II/2024 gần 65 triệu đồng/m2, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Còn trên thị trường thứ cấp, mức giá cũng tăng tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, phân khúc chung cư còn “nóng" hơn nữa. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thảo, cách đây khoảng 1 tháng, người nhà của chị chào bán căn hộ chung cư có diện tích 110 m2 tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Mức giá chủ nhà đặt ra là 6,35 tỷ đồng, nhưng môi giới rao lên thành 6,5 tỷ đồng. Vừa rao chưa được bao lâu, đã có một nhà đầu tư mua nhà. Người này sơn sửa, thay một số nội thất và bán lại với giá… 7,5 tỷ đồng.
Anh Minh Tiến - một người đang tìm mua nhà, cũng “tá hỏa” khi chứng kiến mức tăng giá không tưởng tại một dự án chung cư trên đường Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm). Cách đây 3 tháng, một căn hộ 3 phòng ngủ tại đây được môi giới báo giá khoảng 6,5 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên hơn 7 tỷ đồng.
“Dù môi giới nói đây là chung cư cao cấp, mới bàn giao được 4 năm, nhưng tường nhà đã xuất hiện tình trạng bị thấm nước, mọc nấm. Khi đi xem các dự án khác quanh khu vực Mỹ Đình, mức giá cũng toàn trên 60 triệu đồng/m2, song chất lượng còn tệ hơn khi nhiều mảng tường bị bong tróc”, anh Tiến cho hay.
Bức xúc vì tình trạng giá bất động sản tăng “phi mã”, nhiều người đã tham gia một nhóm trên Facebook có tên gọi “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá”. Vào ngày 15/8, Báo Đầu tư Online đã đăng bài phản ánh về sự xuất hiện của nhóm này. Khi đó, cộng đồng trên có khoảng 59.000 thành viên, hiện con số đã tăng lên gần 93.000 người và chưa có dấu hiệu dừng tăng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều dự án chung cư tại Hà Nội đang tăng quá cao so với mức thu nhập của người dân. Bản thân ông cũng khó có thể mua được một căn nhà tại Thủ đô.
“Tôi rất bất ngờ khi có những căn chung cư ở tận huyện Hoài Đức mà giá lên tới 70 triệu đồng/m2. Tôi gọi đó là những dự án đội lốt cao cấp, bởi giá trị thực tế của nó không tương xứng với giá bán”, ông Thịnh nói.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh tổng thể nguồn cung nhà ở giá rẻ còn hạn chế, nhiều người dân buộc phải “cắn răng” vay tiền mua nhà với giá cao. Song về lâu dài, dựa trên nguyên tắc thị trường, khi tổng thể nguồn cung đưa ra không phù hợp với bên cầu, lượng giao dịch cũng như giá bán chắc chắn sẽ giảm.