Tác động của giá dầu
Việc giá dầu sụp đổ từ mức hơn 63 USD/thùng vào đầu tháng 1/2020 xuống chỉ còn quanh 20 USD/thùng hiện tại được xem là một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán nhanh chóng rơi vào xu hướng giá xuống (bear market) và khó có khả năng khởi sắc trở lại, nếu không có thay đổi trên thị trường dầu.
Ðáng chú ý, ngay cả khi thoả thuận lịch sử cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh được công bố, giá dầu vẫn không thể khởi sắc.
Vấn đề nằm ở việc, theo tính toán của các nhà kinh tế, chỉ cần nhu cầu đi xuống, sản lượng dầu mỏ đã giảm “tự nhiên” khoảng 20%. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng lao dốc chóng mặt, khó có khả năng giá của loại năng lượng này hồi phục.
Ðây là lý do sau khi thoả thuận kiểm soát sản lượng được công bố, chỉ số S&P 500 giảm 1,1% trong phiên giao dịch đầu tuần, thậm chí ngay cả khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết, tình hình dịch Covid-19 đã bình ổn tại Mỹ.
Giá dầu xuống dốc khiến nhiều doanh nghiệp ngành năng lượng tại Mỹ lâm vào tình cảnh khó khăn, không có lợi nhuận, thậm chí trên bờ vực phá sản.
Các hãng xếp hạng tín dụng dự báo, tỷ lệ phá sản của nhóm doanh nghiệp ngành năng lượng Mỹ sẽ tăng lên mức khoảng 10%, so với chỉ 2% trước khi đại dịch diễn ra.
Ước tính, giá dầu cần ở mức 20 - 40 USD/thùng để những công ty có hoạt động sản xuất - kinh doanh phụ thuộc vào dầu có thể tồn tại.
Một khảo sát được thực hiện bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Kansas cho thấy, khoảng 40% các nhà sản xuất dầu và khí đốt đối diện rủi ro vỡ nợ trong vòng 1 năm tới nếu giá dầu không thể tăng lên mức 30 USD/thùng trong thời gian ngắn.
Ngành năng lượng là một trong những lĩnh vực đang sử dụng nhiều lao động nhất tại Mỹ, với mức lương ở Top trên.
Trong tình trạng này, thị trường chứng khoán sẽ khó có đà tăng dài, bền vững nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp, đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp, cũng như tác động trực tiếp tới tình hình việc làm.
Mùa báo cáo khác thường
Mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 đã bắt đầu. Các chiến lược gia dự báo, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 10% trong 3 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, nhưng các thành viên thị trường đều biết rằng, con số thực tế sẽ tệ hơn nhiều.
Ða phần lãnh đạo các doanh nghiệp đều không tự tin trong việc ước tính kết quả quý I, cũng như nhận định hướng đi trong thời gian tới, bởi câu chuyện dịch bệnh không thể lường trước.
Ðiều này khiến mùa báo cáo quý I năm nay trở nên khác thường, khi nhà đầu tư không thể tập trung vào những con số thông thường như doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền, thay vào đó chú ý hơn tới vấn đề nợ, nợ đến hạn, chi phí lãi vay…
Trong lúc này, khả năng sống sót qua đại dịch của doanh nghiệp mới là tâm điểm.
Một điểm đáng chú ý trong đợt lao dốc vừa qua của thị trường chứng khoán toàn cầu là đà giảm xuất hiện với mọi nhóm cổ phiếu, không có sự phân biệt cụ thể nào.
Chỉ số MSCI USA Select Strong-Balance-Sheet, bao gồm 250 cổ phiếu có khả năng vỡ nợ thấp nhất tại Mỹ giảm tới 13,6%, trong khi chỉ số MSCI USA, đo lường diễn biến thị trường chung giảm 15,9%.
Theo các chuyên gia, 2 chỉ số có diễn biến tương đồng bởi hiện tại, chỉ rất ít doanh nghiệp có bảng cân đối tài chính lành mạnh với dòng tiền tích cực.
Trên toàn cầu, từ trước khi đại dịch diễn ra, tính tới cuối năm 2019, các khoản nợ phi tài chính của doanh nghiệp đã tăng hơn 70% so với năm 2007, đạt 74.000 tỷ USD, tương đương 92% GDP thế giới, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu tài chính Quốc tế.
WTO nhận định, 2020 có thể trở thành năm mà thương mại quốc tế lao dốc mạnh nhất kể từ Ðại khủng hoảng 1929 và khó có thể hồi phục trong thời gian ngắn.
Với môi trường hoạt động không lấy làm tích cực, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng khó khởi sắc. Ðây là những lý do khiến đà tăng hiện tại của thị trường chứng khoán khó bền.