Bà có cho rằng đã xuất hiện nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại?
CPI tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng 6 có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Đáng lưu ý là, có tới 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất (1,08%), chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,75%, với nguyên nhân chính là giá thịt lợn - mặt hàng thực phẩm chủ lực trong sinh hoạt của người dân - tăng cao. Nhóm giao thông tăng 1,04% do giá xăng dầu tăng 2,38%...
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).
Ngoài ra, do thời tiết nắng nóng, nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao. Đây là những yếu tố khách quan khiến CPI tháng 6 và bình quân 6 tháng tăng cao.
Áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm rất lớn, ngoài các lý do kể trên, còn tiềm ẩn nhiều nguyên nhân khiến giá cả thị trường tăng cao, đặc biệt là những yếu tố khó lường là bão tố, lũ lụt, hạn hán, diễn ra trong 6 tháng cuối năm.
Liệu CPI bình quân năm nay có vượt 4%, thưa bà?
CPI vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng như tôi nói, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban đã yêu cầu xây dựng kịch bản điều hành giá chung năm 2018.
Sau mỗi tháng, Ban Chỉ đạo điều hành giá đều rà soát, đánh giá lại các yếu tố mới phát sinh tác động lên CPI, cập nhật tình hình thị trường trong và ngoài nước, nhận định các yếu tố phát sinh tác động lên lạm phát để tham mưu cho Chính phủ chủ động kiểm soát lạm phát, nhằm thực hiện bằng được nhiệm vụ kiểm soát giá, không để CPI bình quân vượt quá 4% theo yêu cầu của Quốc hội.
Kịch bản điều hành giá chung là gì?
Đó là theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trên thị trường thế giới và trong nước, thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá vào thời điểm hợp lý, thận trọng, không tăng giá đồng loạt nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trong cùng một khoảng thời gian ngắn.
Đặc biệt, hạn chế điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá vào các tháng cuối năm - thời điểm nhu cầu chi tiêu, đầu tư của người dân và doanh nghiệp tăng cao. Chủ động nguồn hàng đáp ứng nhu cầu chi tiêu tăng vào thời điểm cuối năm.
Từ nay đến cuối năm, tạm thời chưa tăng giá điện, đẩy nhanh tái đàn lợn, tạo nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Quản lý chặt chẽ thông tin thất thiệt, gây hoang mang cho người tiêu dùng, xã hội và thị trường.
Định kỳ 3 tháng, Ban Chỉ đạo điều hành giá gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê... họp một lần.
Nhưng tháng 5/2018, sau khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, là tháng 5 có CPI tăng cao nhất trong vòng 6 năm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu phải họp ngay để đưa ra các kịch bản ứng phó với lạm phát từ nay đến cuối năm.
Cụ thể kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm ra sao, thưa bà?
Căn cứ vào tình hình thực tế, dự báo nguồn cung hàng hóa, dự báo diễn biến giá cả một số mặt hàng chủ lực trên thị trường thế giới, chúng tôi đưa ra 3 kịch bản, trong đó 2 kịch bản CPI bình quân dưới mục tiêu Quốc hội đặt ra, còn kịch bản thứ ba đặt trong trong bối cảnh giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng mạnh, nên CPI bình quân vượt 4%.
Kiên quyết không để kịch bản thứ ba xảy ra, nên động thái đầu tiên là không tăng giá điện từ nay đến cuối năm; tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá (như dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế, dịch vụ sử dụng đường bộ BOT...).
Đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, lương thực, thịt lợn, cần chủ động rà soát, cân đối cung - cầu, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn thị trường; chú trọng công tác tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Với sự chỉ đạo điều hành như trên, cộng với việc Việt Nam vừa xuất khẩu được thịt lợn vào thị trường Myanmar - một tín hiệu rất tốt góp phần thúc đẩy người dân, doanh nghiệp tái đàn lợn, tạo điều kiện giảm giá thịt lợn, tôi tin là sẽ kiểm soát được lạm phát như mục tiêu đã đặt ra. Yếu tố kiểm soát lạm phát khó lường nhất hiện nay chính là giá xăng dầu.
Vậy ứng phó với giá xăng dầu bằng cách nào?
Diễn biến giá xăng dầu vô cùng khó dự báo, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Thỏa thuận P5+1 (thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) hôm 9/5/2018 và mới đây yêu cầu các đồng minh ngừng nhập khẩu dầu từ Iran, khiến nguồn cung dầu trên thị trường thế giới giảm khoảng một triệu thùng/ngày.
Hồi đầu năm, các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới dự báo, giá xăng dầu năm nay xoay quanh mức 65 - 70 USD/thùng, nhưng hiện tại, giá bình quân đã lên 70,9 USD/thùng, tăng hơn 23% so với 6 tháng đầu năm 2017. Nếu các nước đồng minh thực hiện yêu cầu của Mỹ, thì chưa biết giá xăng dầu sẽ tăng bao nhiêu nữa.
Ứng phó với giá xăng dầu có khả năng tăng cao, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.
Cụ thể, trường hợp giá xăng dầu thế giới giảm thì tăng mức trích vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và giảm giá bán lẻ xăng dầu thấp hơn mức giảm bình quân trên thị trường thế giới.
Khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng thì giảm mức trích vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tăng mức xả Quỹ Bình ổn bảo giá xăng dầu, đảm giá xăng dầu bán lẻ không biến động quá mạnh và bảo đảm số dư của Quỹ Bình ổn xăng dầu đủ để can thiệp vào thị trường.