Bắt đầu xu hướng thắt chặt tiền tệ
Đầu tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, nhằm ổn định tỷ giá tiền tệ trước sự biến động mạnh của thị trường quốc tế.
Ngay sau đó, một nhân viên Bac A Bank gửi tin nhắn về biểu lãi suất tiết kiệm áp dụng từ ngày 25/10 với mức cao nhất là 8,6%/năm cho các khách hàng thân thiết. Theo đó, với 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm 24 tháng, lãi suất là 8,4%/năm cộng thêm 0,2%/năm dành riêng cho khách hàng nữ.
“Ngoài ra, còn được tặng phiếu mua hàng là sữa của TH trị giá 500.000 đồng”, nhân viên Bac A Bank cho biết.
Đây chưa phải là mức lãi suất cao nhất thị trường. Ngày 26/10, sản phẩm tiền gửi online các kỳ hạn dưới 6 tháng của SCB đều được tăng từ mức 5%/năm lên kịch trần lãi suất mới nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 6%/năm. Với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, mức lãi suất trong khoảng 8,7% - 8,95%/năm. Kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng có lãi suất lần lượt 9,15%/năm và 9,25%/năm. Các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên có lãi suất 9,3%/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, giám đốc phân tích một công ty chứng khoán cho rằng: “Mấu chốt là để bảo vệ tỷ giá, chứ không phải lạm phát nữa. Tỷ giá trung tâm đã tăng gần 7% và tỷ giá các ngân hàng thương mại đã tăng gần 9%. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối hiện đã xuống dưới 3 tháng nhập khẩu nên nhà điều hành cũng không thể bán ngoại tệ là USD thêm được. Do đó, động thái phù hợp là Ngân hàng Nhà nước kết hợp kiểm soát cung tiền cùng tăng lãi suất để bảo vệ đồng Việt Nam (VND)”.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, tin tức dồn dập đến đối với kinh tế Việt Nam, nhưng lớn nhất và cũng là rủi ro lớn nhất đối với Việt Nam lại là các yếu tố bên ngoài, chứ không phải là vấn đề nội tại. Các yếu tố này ngày càng ảnh hưởng rõ nét đến kinh tế Việt Nam, dù chậm hơn một chút. Ví dụ, các nước phát triển có lựa chọn rất khắc nghiệt khi nâng lãi suất để chống lạm phát và đã có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, từ đó tác động dây chuyền đến các thị trường vốn, tiền tệ, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Theo ông Cường, trong bối cảnh đó, một loạt nước châu Á đã tăng lãi suất, với 14 lần tăng trong quý I/2022, 15 lần tăng trong quý II/2022, 14 lần trong tháng 7 và 8/2022. Sri Lanka và Pakistan đã đẩy lãi suất cơ bản lên gần 8%/năm. Phản ứng của các ngân hàng trung ương tại châu Á là trong dự đoán, phù hợp với biện pháp chính sách ứng phó. Theo đó, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất 2 lần trong 1 tháng qua là hợp lý, phù hợp với xu hướng của khu vực và trên thế giới. Đây cũng là biện pháp hạn chế tác động khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng thêm lãi suất, tác động đến lạm phát của Việt Nam.
“Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành, nới rộng biên độ tỷ giá là phù hợp nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn. Điều này cho thấy, Việt Nam đã bắt đầu xu hướng thắt chặt tiền tệ, giai đoạn tiền tệ nới lỏng không còn”, ông Cường nói.
Doanh nghiệp cần phòng ngừa rủi ro tỷ giá
Việt Nam đã bắt đầu xu hướng thắt chặt tiền tệ, giai đoạn tiền tệ nới lỏng không còn.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, lãi suất đồng USD trong thời gian qua tăng mạnh, đặc biệt khi Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất lên 4,5 - 5%/năm trong quý I/2023. Hệ quả là đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới.
Theo ông Khoa, Ngân hàng Nhà nước đã theo sát diễn biến của thị trường, trong tháng 9 và tuần cuối tháng 10, cơ quan này đã tăng lãi suất điều hành, mức tăng 1%/năm mỗi lần. Tính tới ngày 25/10, VND giảm khoảng 8% so với USD. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán USD nhằm hỗ trợ thị trường, qua đó giữ ổn định VND.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thực hiện các biện pháp về chính sách tiền tệ để đảm bảo giữ cho VND ổn định”, ông Khoa nhấn mạnh.
Trong diễn biến có liên quan, theo bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, nhìn lại cục diện lâu dài tại Việt Nam cho thấy, chi phí lãi suất đã tăng, tỷ giá cũng tăng và lạm phát trong xu hướng tăng. Doanh nghiệp cần lập kế hoạch cho việc cấp vốn, lưu ý đến yếu tố dài hạn, đa dạng hóa nguồn vốn, chú trọng đến tỷ giá và các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái.
“Một khách hàng là nhà nhập khẩu, 60% số lượng hàng hóa nhập bằng đồng USD, trong những tháng qua đã giảm tỷ lệ nợ bằng USD xuống còn 15% trong tổng số nợ, đồng thời có chính sách phòng ngừa rủi ro cho 15% này. Nếu trước đó không làm, mà bây giờ làm thì liệu có muộn không? Không muộn. Đây là thời điểm lý tưởng để phòng ngừa rủi ro”, bà Stephanie Betant nói.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiêm Chủ tịch Jardine Matheson Việt Nam chia sẻ: “Tôi tin rằng, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Với các doanh nghiệp nước ngoài, họ nói rằng có thể vay tiền ở châu Âu, thậm chí vay với lãi suất thấp, vì đồng Euro đang suy yếu. Đối với chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất không gây thiệt hại nhiều”.
“Các công ty Việt Nam sẽ bị thiệt hại nhiều hơn các công ty có nguồn vốn nước ngoài trong tình huống này. Đây là lý do tại sao Ngân hàng Nhà nước đã làm việc rất chăm chỉ để giữ cho tiền đồng mạnh và lãi suất ở mức thấp. Điều này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách rất tốt, nhưng không thể lường trước rằng đồng USD sẽ tăng giá nhiều như vậy. Đồng Yên đã mất giá 15 - 16%, đồng Euro mất giá 20% so với cuối năm ngoái, trong khi đó, đồng đô la Singapore mất giá 6% và đồng Việt Nam chỉ mất giá 7%. Nói cách khác, tiền đồng là một trong những tiền tệ mạnh nhất và điều đó hoàn toàn hợp lý”, ông Alain Cany nhận xét.
“Tôi tin tưởng rằng, tiền đồng sẽ quay trở lại ngay khi nền kinh tế thế giới ổn định và phục hồi. Tôi hy vọng, mọi người sẽ hiểu chuyện hơn và cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ không kéo dài. Nhìn lại những việc chúng ta đã làm được trong vòng vài năm qua, tôi tin rằng, chúng ta sẽ trở lại tình trạng bình thường và khi đó, Việt Nam sẽ nổi lên và thực sự mạnh mẽ. Nếu dòng vốn FDI tiếp tục mạnh, Chính phủ cải thiện tốt cơ sở hạ tầng, tiếp tục xây dựng hệ thống điện mặt trời và điện gió để đáp ứng nhu cầu thị trường…, tôi nghĩ, đất nước này có thể là người chiến thắng”, ông Alain Cany nhấn mạnh.