Tín dụng có chuyển biến nhưng mức tăng vẫn chậm
Tại Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bản tỉnh Thái Nguyên, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong 9 tháng đầu năm 2023, với nhiều nỗ lực, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có chuyển biến.
Tháng sau cao hơn tháng trước và tính đến 29/9/2023, tăng trưởng tín dụng tăng 6,92% so với cuối năm 2022, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao. Cụ thể, đến 31/7/2023, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 335 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,69%, tăng 13,47% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khoảng 44,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 16,09% so với cuối năm 2022.
Riêng tại Thái Nguyên, trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 15,8%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm của tỉnh là 3,92%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành (5,56%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (10,85%).
“Tín dụng vẫn còn tăng chậm hơn năm ngoái, điều này do rất nhiều nguyên nhân rất cần được phân tích, đánh giá cụ thể để có giải pháp phù hợp”, ông Hà nói.
Doanh nghiệp mong muốn gì?
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Văn Biên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất CaCO3 Quang Sơn bộc bạch: “Quan hệ tín dụng của các doanh nghiệp với ngân hàng ngày xưa vô cùng khó khăn. Đâu đó là sự xin cho, thích dự án này thì cho vay hay gặp người quen thì cho vay… Nhưng bây giờ, 1 doanh nghiệp, 1 dự án thậm chí có đến 3 ngân hàng cùng chung tay hỗ trợ”.
Cũng theo ông Biên, ngân hàng là bà đỡ quan trọng của doanh nghiệp, bởi hơn 80% nguồn vốn hoạt động là nguồn vốn từ ngân hàng, vì vậy nếu nguồn vốn không kịp thời sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.
“Nếu không có sự đồng hành của ngân hàng, thì doanh nghiệp không trụ vững nổi, bởi số doanh nghiệp tự mình lo được nguồn vốn, đảm bảo được nguồn vốn trên 50% vốn cho hoạt động của mình, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam không nhiều”, ông Biên cho biết.
Theo Biên, thời gian qua, hàng chục ngân hàng đến gặp gỡ, trao đổi về việc vay vốn, doanh nghiệp trình bày hết nhưng đâu đó vẫn có những vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật và của chính các định chế tài chính, dẫn đến hai bên không thể gặp nhau, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
“Tôi đề nghị NHNN và ngân hàng thương mại nghiên cứu cho chúng tôi những điều kiện nới lỏng, bởi vì đầu tư ở địa bàn đặc biệt khó khăn so với địa bàn thành thị là rất khác nhau”, ông Biên đề xuất.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng đưa ra 5 kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng phát biểu tại Hội nghị |
Thứ nhất, ngân hàng đảm bảo cam kết với doanh nghiệp tiếp cận cơ sở nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp trong thời gian dài.
Thứ hai, doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong việc dự báo chính sách, đặc biệt chính sách tỷ giá. Bên cạnh đó là hỗ trợ tư vấn trong chuyển đổi công nghệ bởi hệ thống ngân hàng đã và đang đi đầu về chuyển đổi số trong khi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn những hạn chế nhất định.
Thứ ba, tính bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn. Có chính sách riêng cho khối doanh nghiệp nữ làm chủ, đặc biệt là đảm bảo tiếp cận nguồn vốn công bằng giữa doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp quy mô nhỏ. Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển, tránh lệ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp FDI.
Thứ tư, vai trò kiểm soát của NHNN trong việc thực thi các chính sách tiền tệ, các thông tư ban hành được đảm bảo thực hiện.
Thứ năm, thể chế, chính sách, khung pháp lý phải được thay đổi, sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới.
Còn ông Bùi Sỹ Dân, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Quang Dương Thái Nguyên kiến nghị, các ngân hàng kéo dài thời gian đáo hạn thêm 1 - 2 tháng, vì trong thực tế các doanh nghiệp đang bị tồn đọng hàng hóa trong kho rất lớn. Đồng thời, NHNN hỗ trợ giảm lãi suất hơn nữa và duy trì thời gian giảm lâu dài và nới lỏng các điều kiện cho vay tín dụng không căn cứ nhiều đến nhiều đến doanh thu trong khi thị trường ảm đạm.
Bên cạnh đó, ông Biên cho rằng, hợp đồng giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần được thương thảo rõ ràng có lợi ích cân bằng giữa hai bên. Vay tín chấp có bên thứ ba tham gia, ngoài bảo hiểm cần làm rõ vai trò bên thứ ba trong hợp đồng để tránh bị lợi dụng gây thiệt hại cho bên thứ ba. Hiện tại, bất động sản đang trầm lắng, ngân hàng cần xem xét duy trì tài sản đảm bảo không giảm hạn mức của doanh nghiệp.
"Ngân hàng cần xem xét đối tượng khách hàng nhảy nhóm trong điều kiện nào về số tiền là bao nhiêu để xóa nhóm chú ý hoặc nợ xấu để doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn cho sản xuất kinh doanh", ông Biên nói.
Ngân hàng với những nỗi lo
Ông Hoàng Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, trong quá trình triển khai hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp, VietinBank cũng đối mặt với khó khăn, vướng mắc.
“Khủng hoảng hậu đại dịch Covid cùng ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine đã khiến chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí năng lượng tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm sút khiến các ngành kinh tế xuất khẩu chủ lực tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian qua. Kinh tế thế giới năm nay dự báo sẽ còn tiếp tục có nhiều rủi ro, ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu hấp thụ vốn tín dụng”, ông Phương cho biết.
Nhằm phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của một ngân hàng thương mại trụ cột trong nền kinh tế, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực trong phát triển kinh tế xã hội, đại diện VietinBank đề xuất một số ý kiến để các ngân hàng có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.
Ông Hoàng Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc VietinBank phát biểu tại sự kiện |
Theo đó, đối với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, ông Phương đề xuất, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Thái Nguyên nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Rà soát, hướng dẫn và thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư/các văn bản liên quan để các nhà đầu tư được ký hợp đồng thuê đất, triển khai và phát triển dự án. Vì đây là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm, đẩy mạnh phát triển và VietinBank cũng ưu tiên đầu tư cho vay.
Ông Phương cũng đồng thời kiến nghị NHNN xem xét điều chỉnh quy định về hệ số rủi ro với doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên như cấp tín dụng cho các Dự án tín dụng xanh, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp thấp hơn quy định chung để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với chi phí hợp lý hơn.
“Nâng mức cho vay tối đa bằng phương thức điện tử đối với khoản vay cầm cố bằng chính các khoản tiền gửi tiết kiệm online của khách hàng thì KHÔNG quy định số tiền cho vay tối đa là 100 triệu đồng tại một TCTD theo quy định tại Điều 32, tại Thông tư 06”, ông Phương kiến nghị.
Đối với các doanh nghiệp, ông Phương mong mỏi sẽ tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Tiếp tục chuẩn hóa, minh bạch hoá hệ thống kế toán, báo cáo kiểm toán, đồng thời từng bước chuyển đổi số nhằm tạo thuận lợi cho các TCTD đánh giá, cấp tín dụng nhanh chóng, phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
“Trong thời gian tới, VietinBank cam kết sẽ tiếp tục đổi mới, năng cao năng lực, sức cạnh tranh đồng thời triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, có kết quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Phương nói.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói: “Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tôi hy vọng rằng với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.