Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách
Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) cho biết, Dự thảo Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP. Đà Nẵng nêu 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra.
Đó là các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù; phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; phát triển hạ tầng; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; sở hữu trí tuệ; phát triển và làm chủ công nghệ vi mạch bán dẫn; thu hút đầu tư; hỗ trợ truyền thông và hỗ trợ triển khai.
Qua khảo sát các cơ quan, doanh nghiệp..., Đà Nẵng cần tập trung nguồn lực triển khai 3 giải pháp, gồm cơ chế, chính sách đặc thù; phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và phát triển hạ tầng.
UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút chuyên gia, người dạy, người học, chính sách về sử dụng hạ tầng, chính sách ưu đãi về thuế trong Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng do Quốc hội ban hành.
Cùng với việc xây dựng Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch, UBND TP. Đà Nẵng đang dự thảo 2 nghị quyết đặc thù trình HĐND Thành phố phê duyệt (Dự thảo Nghị quyết về chính sách thu hút các trí thức Việt kiều, chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn về chuyển giao tri thức, công nghệ cho các bên liên quan của TP. Đà Nẵng và làm việc tại DSAC cũng như các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn Thành phố; Dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người tham gia đào tạo, người học ngành nghề chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn Thành phố).
Các cơ chế, chính này khi được phê duyệt và ban hành sẽ có tác động tích cực đến phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của Đà Nẵng cũng như thu hút các chuyên gia, sinh viên, doanh nghiệp lớn, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm vi mạch tương lai.
Kế tiếp là tập trung đào tạo nguồn nhân lực
Dự thảo Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, Thành phố sẽ đào tạo 5.000 nhân lực cho ngành vi mạch, bán dẫn, gồm 4.200 kỹ sư, 750 thạc sĩ và 50 tiến sĩ. Theo ông Phúc, mục tiêu này được xác định dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại Đà Nẵng, hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp cho các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước mà Thành phố đã và đang thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư.
Ông Nguyễn Bảo Anh, đồng sáng lập Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, nguyên Giám đốc cấp cao Synopsys Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ngành vi mạch, bán dẫn lựa chọn đầu tư tại Đà Nẵng sẽ rất cần Thành phố hỗ trợ về nguồn nhân lực, thủ tục pháp lý và hạ tầng. Riêng đối với doanh nghiệp nước ngoài, họ muốn được miễn visa cho chuyên gia, kỹ sư và một số điều kiện khác để có thể an tâm đầu tư. Bên cạnh đó, ông Bảo Anh cũng chia sẻ, vi mạch, bán dẫn là lĩnh vực “ngốn” rất nhiều tiền đầu tư, mức lương cho kỹ sư ngành này rất cao.
Đề cập vấn đề đào tạo nhân lực bán dẫn, PGS-TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng mong muốn, Thành phố tổ chức liên minh đào tạo về ngành này trong hệ thống cơ sở đào tạo trên địa bàn, chứ không để tình trạng “mạnh ai nấy làm”; các trường cấp 3 cần đưa nội dung này vào chương trình dạy học để học sinh có cơ hội tiếp cận và tạo nền tảng từ sớm.
Hiện nay, các trường đại học trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Dự kiến, Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP. Đà Nẵng sẽ được ban hành vào giữa năm 2024. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Đà Nẵng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn, góp phần đưa Thành phố tham gia chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ tương lai toàn cầu.