Những dự án khu đô thị sinh thái kiểu mẫu sẽ được xây dựng tại phía Tây Đà Nẵng.

Những dự án khu đô thị sinh thái kiểu mẫu sẽ được xây dựng tại phía Tây Đà Nẵng.

Đà Nẵng xây dựng các đô thị giãn dân phía Tây

Những dự án khu đô thị sinh thái kiểu mẫu sẽ được xây dựng tại phía Tây Đà Nẵng, góp phần hình thành các đô thị giãn dân, vừa được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư.

Hướng đến đô thị sinh thái

Đây là những dự án gắn với hai trục giao thông huyết mạch phía Tây Bắc Đà Nẵng, phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Thành phố đang đề xuất mở rộng về phía Tây, hình thành các đô thị giãn dân và cụm đô thị sinh thái lớn nhất Đà Nẵng sau nhiều năm không có thêm quỹ đất mới.

Trên cơ sở Nghị quyết số 290/NQ-HĐND ngày 13/3/2020 của HĐND Thành phố khóa IX, về việc cho ý kiến chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở và đề nghị của Sở Xây dựng, trong tháng 5/2020, UBND TP. Đà Nẵng đã có các Văn bản số 3038, 3095, 3096 và 3097/UBND-SXD về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 4 dự án khu đô thị khu vực phía Tây Bắc thành phố.

Cụ thể, Dự án Khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông (xã Hòa Nhơn) quy mô gần 100 ha với diện tích đồi núi, mặt nước hồ Trước Đông chiếm 26% (261.000 m2). Dự án sẽ có 92 khu đất biệt thự (484.000 m2), gần 20.000 m2 đất thương mại dịch vụ, còn lại là đất hạ tầng kỹ thuật, cây xanh thảm cỏ, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 770 tỷ đồng.

Dự án Khu biệt thự sinh thái phía Tây đường tránh Nam Hải Vân, quy mô hơn 97 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.370 tỷ đồng, trong đó có 2.081 lô đất nhà ở (442.000 m2), đất trường học (56.500 m2), đất thương mại dịch vụ (41.000 m2).

Dự án thứ 3 là Khu đô thị sinh thái phía Bắc đường Hoàng Văn Thái, quy mô 87 ha, đầu tư 919 tỷ đồng, quy hoạch 1.979 lô đất (312.000 m2), đất trường học (36.000 m2), chợ (11.600 m2), trung tâm y tế (13.000 m2), đất thương mại dịch vụ (40.400 m2), đất thể dục - thể thao (29.000 m2).

Dự án cuối cùng là Khu biệt thự sinh thái phía Đông đường tránh Nam Hải Vân, diện tích hơn 60 ha, quy mô 619 tỷ đồng, gồm 773 lô đất ở, đất trường học (37.000 m2), thể thao (32.000 m2)…

Đây là cụm đô thị sinh thái lớn nhất hiện nay được đầu tư tại TP. Đà Nẵng sau nhiều năm không có thêm quỹ đất mới.

Tiềm năng vùng đất mới

Tại kỳ họp thứ 14 mới đây, HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua nhiều tờ trình về đầu tư các dự án giao thông, y tế, đô thị, môi trường và hỗ trợ đối tượng khó khăn ảnh hưởng bởi Covid -19. Trong đó, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu phức hợp đô thị, thương mại cao tầng Phương Trang (Khu C5b, E, F) tại  phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) với diện tích đất sử dụng hơn 266.000 m2 (hơn 150.000 m2 đất ở chia lô liền kề, 1259 căn), tổng vốn là 3.990 tỷ đồng, do Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang làm chủ đầu tư.

Được biết, để đáp ứng quy mô dân số Đà Nẵng sẽ lên trên 2 triệu người trong năm 2030, Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng đô thị Tây Bắc lên khoảng 37.000 ha. Bên cạnh đó, theo điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Thành phố đang đề xuất mở rộng về phía Tây huyện Hòa Vang, hình thành các đô thị giãn dân, dự kiến có đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc.

Về tầm nhìn phát triển, TP. Đà Nẵng có mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.   

Khu vực Tây Bắc đang là hướng phát triển chiến lược của Đà Nẵng với hàng loạt công trình trọng điểm sở hữu kết cấu hạ tầng tiên tiến, mang đến những đô thị hiện đại và kích cầu bất động sản. Một trong những dự án đi đầu chính là tuyến đường vành đai phía Tây, đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh đã được UBND Thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.499,776 tỷ đồng.

Trong khi đó, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn II dự kiến được khai thác vào tháng 9/2020 sẽ thúc đẩy giao thương của vùng Tây Bắc Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Dự án Khu du lịch Mikazuki Hotel & Spa Resort (Nhật Bản) và tới đây, Dự án Cảng Liên Chiểu với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 33.000 tỷ đồng, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị sẽ là đòn bẩy để phát triển kinh tế, xã hội Thành phố.

Ông Siah Gim Lim, Giám đốc Dự án Surbana Jurong (Singapore), đại diện tư vấn đồ án thiết kế quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho rằng, trong tương lai, Đà Nẵng còn là một nút quan trọng trong mạng lưới sản xuất và logistics toàn cầu; là đô thị chính trong vùng đô thị Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, với dân số khoảng 5,8 triệu người.

Về tầm nhìn phát triển, TP. Đà Nẵng có mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, kỳ họp thứ 14 HĐND TP. Đà Nẵng đã quyết định thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đồ án cũng sẽ được trình các bộ, ngành trung ương và Thủ tướng Chính phủ xem xét trong thời gian tới.

Tin bài liên quan