Liên tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp, cổ đông
Ngày 16/11/2007, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng) cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty cổ phần Địa ốc Viễn Đông Việt Nam (Vien Dong Land). Các cổ đông sáng lập bao gồm: ông Đặng Thành Tâm (Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn), ông Nguyễn Tâm Tiến (Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam), ông Nguyễn Tâm Thịnh (Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ Viễn Đông), ông Nguyễn Văn Ngọc và Võ Duy Tấn.
Tại giấy chứng nhận đăng ký này, Vien Dong Land do ông Nguyễn Tâm Tiến làm Tổng giám đốc, vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, như câu cá, bơi lặn, kéo dù, đầu tư, xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp, khu dân cư, chung cư, khu trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, khu du lịch, dịch vụ môi giới bất động sản…
Sau đó, Vien Dong Land liên tục có thay đổi. Ngày 13/5/2011, Vien Dong Land thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cổ phần lần thứ 5 (8/4/2011) và lần thứ 6 (13/5/2011) bổ sung một số ngành nghề khác, như bốc xếp hàng hóa, bán buôn sắt thép…
Các cổ công cũng đã có sự xáo trộn, thu hẹp từ 5 cổ đông, xuống còn 3, gồm: ông Đặng Thành Tâm (vẫn là Chủ tịch HĐQT), ông Võ Duy Tấn và cổ đông mới là ông Nguyễn Sơn (ở số 41/8 Cô Giang, phường Cầu Ông, quận 1, TP.HCM).
Trước đó, để “tháo chạy” khỏi dự án này, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam do ông Nguyễn Tâm Tiến và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ Viễn Đông do ông Nguyễn Tâm Thịnh làm đại diện đã chuyển toàn bộ 7,04 triệu cổ phần cho ông Nguyễn Sơn.
“Việc liên tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, số cổ đông sở hữu cũng như ngành nghề kinh doanh đã khiến Dự án cứ như gà mắc tóc. Giải quyết việc thay đổi cổ đông, điều chỉnh mục đích kinh doanh và số vốn điều lệ đã chiếm hết thời gian, thì còn đâu thời gian để lo triển khai Dự án”, một cổ đông xin không nêu tên phân trần.
Lọt tầm ngắm thanh tra Bộ Xây dựng
Liên quan việc Dự án chậm triển khai và liên tục thay đổi, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, UBND Thành phố sẽ có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án, nếu các chủ đầu tư không triển khai thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng cam kết về tiến độ đề ra, UBND Thành phố sẽ xem xét thu hồi Dự án theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013.
Thực tế, không thể cứ để dự án “nhởn nhơ” chạy lòng vòng chờ chuyển nhượng sang tên, ngày 2/12/2015, UBND Thành phố đã có Quyết định số 8665/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch Thanh tra năm 2016 của Thanh tra TP. Đà Nẵng. Vien Dong Land là một trong 19 đơn vị “được” thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai và chính sách pháp luật khác có liên quan đối với Dự án Viễn Đông Meridian Towers.
“Trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang có nhiều nhà đầu tư ‘ngâm’ dự án, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, mục đích sử dụng đất và lãng phí tài nguyên quốc gia. Vì vậy, chúng tôi chọn Viễn Đông Meridian để thanh tra thí điểm, sau đó sẽ mở rộng ra các dự án khác”, một lãnh đạo Thanh tra TP. Đà Nẵng cho biết.
Tuy nhiên, khi đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị công bố quyết định thanh tra thì Thanh tra TP. Đà Nẵng nhận được thông báo từ Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng rằng, dự án này nằm trong kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng. Vì vậy, Thanh tra Thành phố không tiếp tục nữa”, ông Nguyễn Bá Sơn, Chánh thanh tra TP. Đà Nẵng cho biết.
Ở một diễn biến khác, cuối tháng 7/2016, UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo bằng văn bản đến các ngành chức năng yêu cầu rà soát, xem xét lại các dự án chậm triển khai trên địa bàn. Cụ thể, sẽ thu hồi các dự án đầu tư đã quá thời hạn quy định, nhưng không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp…
Đây được xem là động thái quyết liệt của Thành phố nhằm tiết kiệm, chống lãng phí quỹ đất. Đặc biệt, xử lý cơ bản những dự án còn nợ tiền thuê đất.
Liên quan vấn đề nợ tiền thuê đất, ông Nguyễn Đình Ân, Phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế Thành phố cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn nhiều đơn vị nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất của Thành phố như Công ty cổ phần Trung Nam nợ 222,4 tỷ đồng tiền sử dụng đất, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Bảo hiểm Dầu khí nợ 73,3 tỷ đồng tiền sử dụng đất, Công ty cổ phần Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng nợ 51,7 tỷ đồng tiền thuê đất… Việc Thành phố có chủ trương thu hồi các dự án chậm triển khai vừa tiết kiệm, chống lãng phí quỹ đất, vừa giúp các nhà đầu tư có tiềm lực tham gia thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố”.
Cũng liên quan đến dự án trên, đầu tháng 3/2016, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố cho phép chuyển nhượng để dự án tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, việc chuyển nhượng dự án này không hề đơn giản, do đang có tranh chấp trong chuyển nhượng giữa các cổ đông.
Hơn 8 năm, Đà Nẵng phát triển liên tục nhờ những dự án quy mô từ các nhà đầu tư có tiềm lực với kiến trúc độc đáo, tôn vinh chiều cao, có mức độ lan tỏa kinh tế - xã hội rộng lớn. Tuy nhiên, cũng đồng thời tồn tại những dự án kìm hãm sự phát triển, làm xấu môi trường đầu tư, gây mất mỹ quan đô thị. Viễn Đông Meridian Towers do 5 cổ đông sáng lập ban đầu, trong đó có sự “đóng góp” không nhỏ của các cổ đông Nguyễn Tâm Tiến, Nguyễn Tâm Thịnh là một dự án như thế. Dự án 48 tầng vẫn cứ… cỏ dại là là mặt đất, chẳng chịu xây lên cao, người dân nhìn vào ngao ngán, còn lãnh đạo Đà Nẵng thì… đau đầu.