Ngập lụt diễn ra tại Đà Nẵng vào đêm 14/10/2022 đến rạng sáng 15/10/2022.
Tình trạng ngập úng khi có mưa lớn tại các đô thị không chỉ là vấn đề mà Đà Nẵng đang đối mặt, mà là câu chuyện đang hiện hữu tại nhiều đô thị lớn hiện nay (như Hà Nội, TP. HCM...).
Bên cạnh việc “bắt bệnh” của tình trạng này, Đà Nẵng đang xây dựng lộ trình khắc phục, góp phần ổn định đời sống người dân trong mùa mưa lũ.
Mới đây, trả lời ý kiến của cử tri phường Hòa Thọ Tây, quận Hải Châu về hướng giải quyết vấn đề ngập úng khi có mưa lớn, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thành phố rất cần sự chung tay, ý thức của mỗi người dân trong việc giải quyết những vấn đề thách thức chung của các đô thị lớn như chống ngập úng.
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, thời gian đến, thành phố sẽ thực hiện tổng rà soát tất cả các vấn đề liên quan đến đô thị như xử lý nước thải, rác thải; khớp nối hạ tầng; chống ngập úng… để có cơ sở xây dựng phương án, lộ trình khắc phục những bất cập hiện hữu.
“Quản lý đô thị nói chung luôn là vấn đề thách thức của tất cả các đô thị ngày nay. Để giải quyết những vấn đề này, trong nhiều năm qua, thành phố đã dành rất nhiều nguồn lực xây dựng hệ thống thoát nước cơ bản khắc phục tình trạng ngập úng… Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, rất cần sự chung tay, ý thức của mỗi người dân trong việc giữ gìn môi trường sống ở khu dân cư, tổ dân phố nơi mình sinh sống”, Chủ tịch Lê Trung Chinh nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng, Đà Nẵng đã có sự đầu tư nguồn lực lớn cho hệ thống hạ tầng giao thông thoát nước. Tuy nhiên, một vài tuyến chưa hoàn thiện do điều chỉnh lại thiết kế, đầu tư thêm. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước của Đà Nẵng chỉ đáp ứng được với lượng mưa cho phép. “Tình trạng ngập úng trong đợt mưa bão vừa qua là tỷ lệ 1% (100 năm mới có 1 lần) nên hệ thống thoát nước của Đà Nẵng đã không xử lý được, vượt khỏi tính toán. Vì vậy, ông Tiến đề nghị người dân thường xuyên thực hiện công tác khơi thông tại khu vực dân cư, ngoài ra các trạm bơm cần trang bị hệ thống điện dự phòng, có kế hoạch thiết kế nếu tủ điện nằm trong khu vực ngập”, ông Tiến cho hay.
Tại Chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần thứ 3 vào ngày 10/11/2022, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết sẽ công khai kế hoạch nạo vét cống thoát nước.
Theo ông Phong, Sở Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các ban quản lý dự án khơi thông dòng chảy, vận động người dân không bịt kín miệng cống chống mùi hôi, xử lý nghiêm việc đổ thải xuống cống...
“Để xử lý tình trạng ngập úng lâu dài, chúng tôi sẽ tập trung các nguồn lực để nạo vét hệ thống thoát nước, khẩn trương khắc phục tình trạng bất cập của hệ thống thoát nước ở khu vực đô thị, xây dựng cơ chế, phương án sống chung với mưa lũ lớn, ngập lụt đô thị, đặc biệt lưu tâm xử lý ở huyện Hòa Vang”, ông Phong phúc đáp.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cũng đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường vận động người dân nâng cao ý thức, cùng chung sức trong vấn đề khơi thông, giải quyết ngập úng, hằng năm tổ chức tuần lễ khơi thông để đảm bảo chống ngập úng trước mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng lập bản đồ ngập úng, hệ thống cảnh báo ngập úng để trường hợp người dân trong tình huống khẩn cấp có thể sử dụng bản đồ cảnh báo. Ngoài ra, công tác cứu hộ cứu nạn phải được quan tâm, xử lý vấn đề phát sinh sau bão lụt.
“UBND TP cần phải dành nguồn lực để mua sắm và bố trí nguồn lực hợp lý để phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn”, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng ý kiến.