Nhiều mỏ khai thác khoáng sản tại Đà Nẵng không tái tạo môi trường sau khi khai thác

Nhiều mỏ khai thác khoáng sản tại Đà Nẵng không tái tạo môi trường sau khi khai thác

Đà Nẵng siết quản lý, quy hoạch khai thác khoáng sản

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều mỏ khoáng sản gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp; không tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường... chính quyền TP. Đà Nẵng hạ quyết tâm siết chặt quản lý.

Khổ vì mỏ đá

Chạy dọc những tuyến đường đi qua xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), dễ dàng bắt gặp những đồi núi nham nhở, loang lổ - dấu tích của những mỏ đất, mỏ đá đã khai thác hàng chục năm qua.

Ông Trần Phước Sơn, một người dân trong xã, rất bức xúc khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về thực trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn. “Gia đình tôi có gần 7.000 m2 đất nông nghiệp, nhưng không sản xuất được, hơn 30 ha đất của làng cũng bỏ hoang, vì trong quá trình khai thác, đất đá từ các mỏ đã bồi lấp hết đất của dân. Các mỏ khoáng sản này còn gây ô nhiễm môi trường, nhiều mỏ không phục hồi môi trường sau khi khai thác. Người dân đã phải chịu đựng cảnh này gần 20 năm qua”, ông Sơn than thở.

Theo Quy hoạch Thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn Đà Nẵng được Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng thông qua, thì chỉ có 13 mỏ khoáng sản được phép hoạt động khai thác giai đoạn 2021 - 2025, gồm 10 mỏ đá xây dựng, 2 mỏ đất đồi, 1 mỏ đất sét.

Tại xã Hòa Nhơn, quanh khu vực thôn Phước Thuận - Phước Hậu có đến 7 mỏ đá. Trung bình mỗi mỏ có thể khai thác cả trăm ngàn mét khối trong một năm. Mỏ đá chỉ cách khu dân cư chừng vài trăm mét. 20 năm qua, khoảng 300 hộ gia đình ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quá trình khai thác đá, chịu ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, thường trực nỗi lo về nguy cơ tai nạn giao thông bởi lưu lượng xe chở đất đá di chuyển dày đặc.

Bức xúc, không ít lần người dân trong xã kiến nghị các cấp chính quyền không gia hạn giấy phép khai thác mỏ, hỗ trợ người dân di dời đến chỗ ở mới và diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng. Đến năm 2019, các hộ bị mất đất sản xuất được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/sào đất sản xuất/năm; còn việc cải tạo, phục hồi môi trường thì vẫn còn bỏ ngỏ…

Từng có thời gian làm thuê cho mỏ khai thác khoáng sản, ông Sơn cho biết, hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không chịu hoàn thổ, hoặc nếu có, thì cũng làm theo kiểu đối phó, không đúng với thiết kế phê duyệt.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 46 mỏ cần được hoàn thổ và phục hồi môi trường. Trong đó, 18 mỏ đang tiến hành hoàn thổ, nhưng tiến độ rất chậm chạp, thậm chí có doanh nghiệp đã hết hạn giấy phép nhiều năm mà vẫn chưa hoàn thành; 4 mỏ trong tình trạng “bỏ của chạy lấy người”, không tiến hành phục hồi môi trường.

Những năm qua, có 20 mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố được hoàn thổ, phục hồi môi trường và bàn giao cho địa phương hơn 150 ha, nhưng trên thực tế, hầu hết diện tích được hoàn thổ, phục hồi môi trường không hiệu quả, cây cối khó phát triển.

Siết quản lý

Câu chuyện các mỏ đất đá sau khi khai thác nhưng không hoàn thổ, không tái tạo môi trường cũng là nỗi bức xúc của người dân huyện Hòa Vang nhiều năm qua.

Có thể thấy, số tiền 2 tỷ đồng ký quỹ phục hồi môi trường quá ít, nên một số doanh nghiệp chấp nhận mất tiền ký quỹ, chứ không tiến hành phục hồi môi trường. Qua các đợt thanh - kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã phát hiện nhiều vi phạm của các mỏ khoáng sản như khai thác vượt công suất; khai thác ra ngoài ranh giới; khai thác trái phép; chưa chấp hành nghiêm túc tiến độ cải tạo, phục hồi môi trường hoặc chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ... Số tiền xử phạt các doanh nghiệp vi phạm đến nay là hơn 4,4 tỷ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, trước thực trạng tại các mỏ khoáng sản, Thành phố đã chỉ đạo đóng cửa nhiều mỏ, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản.

Tại khu vực thôn Phước Thuận - Phước Hậu, các đơn vị khai thác khoáng sản đóng góp 8 tỷ đồng mở riêng đường chạy dọc theo chân núi, không đi qua địa bàn có dân cư, đóng góp khoảng 7,5 tỷ đồng sửa chữa đoạn từ nút giao với Quốc lộ 14B đến cổng của Trạm trộn bê tông Vinaconex 25 và hỗ trợ người dân có đất nông nghiệp bị bồi lấp…

Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt, chưa giải quyết căn cơ những tồn tại trong việc khai thác khoáng sản tại Đà Nẵng. Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, thực tế trong thời gian dài, tại địa phương đã xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, vì vậy, Thành phố đã ban hành rất nhiều văn bản để tăng cường quản lý. Từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã tiến hành nhiều cuộc thanh - kiểm tra, từ đó thực hiện đình chỉ 5 mỏ khai thác khoáng sản vi phạm và xử phạt vi phạm với số tiền nhiều tỷ đồng.

“Năm 2020, trên địa bàn Thành phố có 26 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đến năm 2025, toàn bộ số mỏ này sẽ hết thời hạn, thực hiện quy hoạch mà HĐND Thành phố phê duyệt. Căn cứ nhu cầu thực tế của địa phương, Sở sẽ tham mưu Thành phố tổ chức đấu thầu cấp quyền khai thác vừa phù hợp quy hoạch, vừa đáp ứng nhu cầu thực tế, tuân thủ tất cả điều kiện bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu đề xuất loại thực vật phù hợp để phục hồi môi trường tại các mỏ. Khai thác khoáng sản cần thiết để phát triển đô thị, tuy nhiên cần quản lý rất chặt chẽ”, ông Hùng khẳng định.

Với việc siết quản lý và quy hoạch lại các mỏ khoáng sản của chính quyền TP. Đà Nẵng, người dân sống trong khu vực có các mỏ hy vọng sẽ sớm được chấm dứt cảnh “sống chung với ô nhiễm”.

Tin bài liên quan