Ngày 24/5, Bảo tàng Đà Nẵng vừa cho biết, trong quá trình thi công bờ kè biển tại khu vực phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) các công nhân của đơn vị thi công đã phát hiện một súng thần công.
Khẩu súng thần công vừa được phát hiện.
Theo thông tin ban đầu, súng thần công này có thể có từ thời Tự Đức (1847-1883). Các nhà nghiên cứu nhận định, đây có thể là khu vực làng Chơn Sảng thuộc huyện Hòa Vang nay là phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Vào thời chúa Nguyễn có đặt tại đây một nhà trạm thuộc hệ thống nhà trạm trên đường thiên lý Bắc - Nam.
Dưới thời Thiệu Trị (1840 - 1847) và Tự Đức (1847 - 1883), tại làng Chơn Sảng có một đồn lính quan trọng thuộc hệ thống phòng thủ ở bờ tây vịnh Đà Nẵng.
Bảo tàng Đà Nẵng đang lưu giữ nhiều súng thần công trong cuộc chiến chống quân Pháp xâm lược.
Khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược Việt Nam vào năm 1858, tại khu vực này đã diễn ra 2 trận đánh. Trận đánh thứ nhất do Pháp tấn công quân ta vào ngày 18/11/1859. Trận đánh thứ hai, do quân ta tấn công quân Pháp vào ngày 1/3/1886.
Hiện khẩu súng thần công này đã được đưa về Bảo tàng Đà Nẵng để tiếp tục nghiên cứu.