Lĩnh vực kết cấu hạ tầng logistics được nhiều nhà đầu tư quan tâm

Lĩnh vực kết cấu hạ tầng logistics được nhiều nhà đầu tư quan tâm

Đà Nẵng: Nhiều dự án lớn khởi động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi vốn đầu tư các công trình hạ tầng từ ngân sách chững lại, dòng vốn đổ vào các dự án sản xuất - kinh doanh của tư nhân vẫn tăng đều đặn, góp phần đẩy nhanh đà phục hồi kinh tế của Đà Nẵng.

Dồn dập đón nhà đầu tư ngoại

Những ngày cuối tháng 3/2022, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã đón đoàn công tác của Công ty Brose (Đức) cùng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đến tìm hiểu đầu tư.

Đại diện Brose đánh giá cao cơ sở hạ tầng giao thông của Đà Nẵng nói chung, Khu công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng, bên cạnh lợi thế về cảnh quan trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời cho biết, Công ty dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Việt Nam.

Tới đầu tháng 4/2022, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng tổ chức sự kiện “Kết nối doanh nghiệp Tây Ban Nha” để giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh cho các doanh nghiệp nước này, trong đó có một số dự án đang được “để mắt” như dự án xe buýt nhanh, xe điện, tàu điện Đà Nẵng - Hội An (Quảng Nam), hợp tác phát triển năng lượng bền vững…

Mới nhất, vào ngày 12/4/2022, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã có buổi làm việc với Samsung Việt Nam về cơ hội đầu tư vào Thành phố, đặc biệt tại các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao - là những mũi nhọn thu hút đầu tư của Đà Nẵng.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, tại Đà Nẵng, Công ty đang thử nghiệm mạng viễn thông 5G thương mại. Ngoài ra, một công ty thành viên cũng đã lên kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, tạo nền tảng để Samsung Việt Nam nghiên cứu mở rộng hợp tác, đầu tư trong tương lai.

Cùng ngày, phái đoàn của Công ty BES Engineering Corporation (BES) tới từ Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đến Đà Nẵng để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Tại lĩnh vực hạ tầng cảng biển, đô thị, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND TP. Đà Nẵng để cùng phát triển các dự án hạ tầng đô thị.

Kích hoạt nhiều dự án lớn

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, đối với thu hút đầu tư trong nước, trong 3 tháng đầu năm 2022, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 2.644 tỷ đồng. Thành phố cũng cấp mới cho 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 5,5 triệu USD và có 5 lượt nhà đầu tư FDI góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị 224.000 USD.

Trong khi vốn đầu tư các công trình hạ tầng từ ngân sách chững lại, dòng vốn đổ vào các dự án sản xuất, kinh doanh của tư nhân vẫn tăng đều đặn, góp phần đẩy nhanh đà phục hồi kinh tế. Đơn cử, tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, dự án Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujkin Đà Nẵng đang được đẩy nhanh tiến độ so với kế hoạch đề ra (hiện đã thi công được 57% khối lượng dự án). Đơn vị này cho biết, sẽ thu hút nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao về Đà Nẵng, góp phần nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn Thành phố.

Hay tại dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao (tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng), chỉ trong những ngày đầu tháng 4/2022, chủ đầu tư Công ty cổ phần Dược Danapha đã hoàn thành hơn 6% khối lượng công việc theo kế hoạch và đang nỗ lực triển khai các công đoạn tiếp sau.

Trong lĩnh vực dịch vụ, dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort với tổng mức đầu tư 3.900 tỷ đồng trên diện tích 13 ha (khởi công từ năm 2019) hiện đã hoàn thành hơn 42% kế hoạch, tương đương giá trị thực hiện khoảng 1.647 tỷ đồng. Khu khách sạn của dự án dự kiến đưa vào vận hành chính thức ngay trong năm nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, khu vực đầu tư ngoài nhà nước hiện chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng vốn đầu tư tại Đà Nẵng. Việc các dự án tư nhân được tăng tốc thi công, bất chấp khó khăn của đại dịch, sẽ giúp Đà Nẵng phục hồi nhanh hơn, đồng thời tạo động lực mở rộng quy mô kinh tế.

Tin bài liên quan