Sáng 24/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trình bày báo cáo về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Thêm dư địa phát triển
Về điều chỉnh quy hoạch Thành phố, Chính phủ đề xuất “phân quyền thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch Thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị từ Thủ tướng Chính phủ cho HĐND và UBND Thành phố”.
Ở nhóm chính sách huy động vốn đầu tư phát triển, dự thảo Nghị quyết quy định: “Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.”
Quy định này, theo Chính phủ là để Thành phố có thêm dư địa được vay để đáp ứng nhu cầu vay đầu tư phát triển hơn 6,3 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025. Việc tăng mức dư nợ vay này được kiểm soát trong giới hạn nợ công cho phép do Quốc hội hàng năm quyết định tổng mức vay và bội chi ngân sách địa phương. Đồng thời, tỷ lệ này vẫn thấp hơn tỷ lệ áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội (90%).
Với chính sách hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, dự thảo Nghị quyết quy định: HĐND quyết định hình thức hỗ trợ xây dựng khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, mức hỗ trợ đối với các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Các dự án đầu tư tại thành phố được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế bao gồm các dự án đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Chính phủ cũng đề nghị cho Đà Nẵng thí điếm mô hình chính quyền Thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và Ủy ban nhân dân. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường.
Không đồng ý giảm thuế thu nhập cá nhân
Quản lý tài chính - ngân sách là nhóm vấn đề có nhiều nội dung đáng chú ý. Dự thảo Nghị quyết quy định “Năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các dự án mang tính chất khu vực miền Trung và Tây Nguyên.”
Trong nhóm chính sách này còn có quy định “Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố Đà Nẵng 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật ngân sách nhà nước)”
Dự thảo Nghị quyết quy định “Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện một số nhiệm vụ như để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; chi đầu tư phát triển mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc chi thu nhập tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.”
Chính phủ cũng đề nghị cho phép HĐND thành phố quyết định ban hành phí, lệ phí mới; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đối với các loại phí, lệ phí có trong Danh mục được cấp thẩm quyền quyết định. Nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, người lao động có trình độ (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phát sinh tại Khu công nghệ thông tin tập trung Khu công nghệ cao Đà Nẵng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu làm việc nhưng không quá năm 2025”.
Chính phủ giải thích, quy định giảm 50% thuế thu nhập cá nhân nhằm thu hút nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, người lao động có trình độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin tập trung, công nghệ cao làm việc tại Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu công nghệ cao, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Về mức thu nhập, hỗ trợ chỗ làm việc cho nhà quản lý, chuyên gia, dự thảo Nghị quyết quy định “Hội đồng nhân dân thành phố quyết định mức thu nhập và mức hỗ trợ chỗ làm việc cho các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của Thành phố.”
Đồng tình với khá nhiều đề xuất của Chính phủ, riêng với thuế thu nhập cá nhân, đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, chính sách thuế cần thực hiện thống nhất theo quy định của luật về thuế. Việc quy định riêng cho Thành phố chưa đảm bảo công bằng với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là đối với các địa phương lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ngoài ra, còn tác động đến mặt bằng chung giữa các đối tượng nộp thuế trong cả nước, tạo ra một tiền lệ tác động đến cân đối ngân sách giữa các địa phương và ngân sách Trụng ương. Do đó, đề nghị bỏ quy định này trong dự thảo Nghị quyết.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghi bỏ mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% vì các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cần phải được cân nhắc đặt trong tổng thể của cả nước, bảo đảm công bằng, không tạo ra sự chênh lệch thuế quá lớn giữa các địa bàn khác nhau trong cả nước nhằm hạn chế việc chuyển giá, trốn thuế.