Cán bộ, công chức Đà Nẵng trao đổi công việc tại Trung tâm hành chính. Ảnh: Nguyễn Đông.

Cán bộ, công chức Đà Nẵng trao đổi công việc tại Trung tâm hành chính. Ảnh: Nguyễn Đông.

Đà Nẵng lần đầu tiên có cơ chế tiến cử lãnh đạo dưới 35 tuổi

Công chức dưới 35 tuổi ở Đà Nẵng sẽ được cấp trên tiến cử vào những vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý. Người tiến cử chịu trách nhiệm cá nhân về việc giới thiệu nhân sự của mình.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo (viết tắt là Đề án cán bộ trẻ).  

Lần đầu tiên ban hành Đề án cán bộ trẻ, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh việc này sẽ giúp sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trên địa bàn.

Theo Đề án, các Thành ủy viên, thủ trưởng sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể; bí thư quận ủy, huyện ủy, chủ tịch UBND quận, huyện và tương đương được tiến cử cán bộ trẻ của cơ quan, đơn vị mình hoặc trên toàn thành phố.

 Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cho biết, cơ cấu cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp, chưa có tính kế thừa. Cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý hiện nay có 413 người, trong đó trẻ dưới 40 tuổi chỉ có 34 người, chiếm 8,23%. 

Người được tiến cử ở cấp thành phố và cấp huyện bao gồm từ phó trưởng phòng (và tương đương) trở lên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể. Cấp phường, xã gồm bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND.

Tiêu chuẩn tham gia Đề án phải là những cán bộ có tuổi đời dưới 35, tốt nghiệp đại học chính quy công lập (bằng 1) hoặc tốt nghiệp đại học trở lên tại một số cơ sở đào tạo ở nước ngoài được Bộ Giáo dục-Đào tạo công nhận; kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên; khả năng ngoại ngữ tối thiểu ở trình độ B1 châu Âu.

Thêm vào đó, phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; có thực tiễn ít nhất 5 năm công tác tại các cơ quan thuộc thành phố Đà Nẵng, có thành tích tiêu biểu, uy tín tại nơi công tác. 

Cán bộ được tiến cử sẽ trải qua ít nhất 3 năm thử thách, tích lũy kinh nghiệm ở những địa phương, đơn vị khó khăn, có những vấn đề nổi cộm, lĩnh vực phức tạp. Đồng thời cán bộ tham gia Đề án và cán bộ trẻ đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực chuyên môn theo quy định của Trung ương.

Để "mở đường" cho cán bộ trẻ, Đề án có nội dung về chế độ, chính sách động viên người lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi; đồng thời có phương án, kế hoạch điều động, luân chuyển nhân sự giữa các cấp, các ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc bố trí, giao việc, thử thách cán bộ trẻ.

Cơ quan có thẩm quyền sẽ đánh giá, lấy ý kiến ở đơn vị nơi cán bộ được tiến cử, loại ra khỏi Đề án những những người thiếu tinh thần cầu tiến hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ thử thách được giao.

Theo quy định của Đề án, người tiến cử cán bộ phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ nhân sự mà mình giới thiệu. Thành phố sẽ biểu dương, khen thưởng người tiến cử khi cán bộ trẻ lập được thành tích và phát triển tốt; mặt khác, người tiến cử phải chịu trách nhiệm cá nhân khi cán bộ trẻ sai phạm, vi phạm đến mức độ phải thi hành các hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền. 

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cho biết, cơ cấu cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp, chưa có tính kế thừa. Cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý hiện nay có 413 người, trong đó trẻ dưới 40 tuổi chỉ có 34 người, chiếm 8,23%.

Tin bài liên quan