Đà Nẵng kiểm soát chặt giấy đi đường ngay từ các khu dân cư

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Đà Nẵng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã phải có trách nhiệm trong việc cấp và giám sát cấp giấy cho doanh nghiệp, không để xảy ra việc cấp giấy đi đường nhiều mà không quản được.
Quét mã QR Code trên điện thoại để kiểm tra giấy đi đường của các cá nhân. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN).

Quét mã QR Code trên điện thoại để kiểm tra giấy đi đường của các cá nhân. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN).

Chiều 6/9, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay việc triển khai Quyết định số 2905/QĐ-Ủy ban Nhân dân có nhiều nội dung nhưng xoay quanh chủ yếu vấn đề cấp giấy đi đường và kiểm soát giấy đi đường.

Qua các lần cấp giấy đi đường, lần này, Đà Nẵng đã triển khai cấp giấy bằng mã QRcode, mang lại hiệu quả tích cực, được doanh nghiệp, người dân và dư luận xã hội đánh giá rất cao.

Việc triển khai cấp giấy đi đường bằng cách này đã phần nào hạn chế việc tập trung đông người, giải quyết kiến nghị của người dân và thực hiện tốt trong quá trình kiểm soát.

Mặc dù vậy, các đơn vị chức năng cần hoàn thiện nội dung cấp giấy đi đường, giải quyết vướng mắc của địa phương, đơn vị và người dân.

Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã phải có trách nhiệm trong việc cấp và giám sát cấp giấy cho doanh nghiệp, không để xảy ra việc cấp giấy đi đường nhiều mà không quản được. Các phường, xã chịu trách nhiệm kiểm tra giấy đi đường của người dân ngay từ các chốt ở khu dân cư, đồng thời tổ chức tuần tra, kiểm tra trong khu vực này.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai trên các phương tiện truyền thông, kể cả dừng hoạt động của các cá nhân, tổ chức nếu vi phạm.

Liên quan đến vấn đề an sinh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các địa phương rà soát lại chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố đến từng hộ dân.

“Hôm nay, tôi có đi kiểm tra, gặp từng hộ dân, nghe phản ánh của người dân về vấn đề hỗ trợ của thành phố. Có hộ dân phản ánh được hỗ trợ tiền, có hộ chỉ được hỗ trợ rau, củ và có cả hộ dân không nhận bất kỳ hỗ trợ nào. Vì vậy, các địa phương cần kiểm tra lại việc các đợt hỗ trợ có đến với người dân," Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.

Về vấn đề xử lý các ổ dịch, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng giao bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố chịu trách nhiệm về ổ dịch phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, trong đó, đưa ra mốc thời gian ngăn chặn được dịch bệnh tại khu vực này.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị các địa phương, đơn vị có biện pháp triển khai hạn chế thấp nhất các ca mắc mới ở các ổ dịch; siết chặt quản lý tại khu cách ly tập trung, phong tỏa.

Riêng về vấn đề lấy mẫu xét nghiệm, ngành y tế và các địa phương phải thực hiện đúng quy trình lấy mẫu, hạn chế tập trung đông người, không cần quá chú ý việc đẩy nhanh tiến độ mà bỏ qua các yếu tố phòng dịch.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng giao ngành y tế chủ trì triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch; Sở Kế hoạch Đầu tư có kế hoạch phục hồi kinh tế sau dịch bệnh; Văn phòng Ủy ban Nhân dân có dự thảo về kế hoạch phòng, chống dịch trong thời gian tới…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 5/9 đến 13 giờ ngày 6/9, Đà Nẵng ghi nhận 63 trường hợp mắc COVID-19. Trong số đó, 26 trường hợp đã cách ly tập trung, 2 trường hợp cách ly tại nhà hoặc tạm cách ly tại nhà, 35 trường hợp trong khu vực phong tỏa.

Hiện Đà Nẵng có 3/7 quận huyện ghi nhận số ca mắc nguy cơ lây lan cho cộng đồng (trừ huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu). Các quận, huyện ghi nhận số ca nguy cơ lây lan cao gồm: quận Thanh Khê (34 ca), quận Cẩm Lệ quận Hải Châu. Trong 63 ca mắc COVID-19, có 26 trường hợp ít có khả năng lây cho cộng đồng, 37 trường hợp có khả năng lây cho cộng đồng.

Đà Nẵng hiện có 17 xã/4 quận không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp. Như vậy, tính từ 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.401 ca mắc COVID-19. Hiện thành phố có 140 khu vực “vùng đỏ”; các quận, huyện đã xử phạt 30 trường hợp có hành vi vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch.

Đánh giá về tình hình phòng dịch tại ổ dịch phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, đại diện lãnh đạo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho hay, ổ dịch đã bùng phát được 1 tuần, sau 14 ngày thực hiện các biện pháp mạnh mới đánh giá được việc kiểm soát được hay không tại khu vực này.

Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tổ chức xét nghiệm từng khu vực hoặc đến lấy mẫu xét nghiệm từng hộ dân nhằm tránh lây nhiễm chéo.

Tin bài liên quan