Mọi thứ đều gắn với du lịch
Không khó để nhận ra, trong nhiều năm gần đây, hầu như mọi điều nhắc về Đà Nẵng đều gắn với lĩnh vực du lịch. Thành phố đáng sống đã bổ sung thêm một khái niệm mới: thành phố đáng đến.
Cũng từ lâu, du lịch và bất động sản trở thành hai lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ. Du lịch phát triển là nền tảng cho thị trường bất động sản sôi động, và ngược lại, những dự án bất động sản sẽ hoàn thiện cho hệ thống lưu trú tại địa phương.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, trong quý I/2019, tổng lượng khách du lịch đến Thành phố ước đạt hơn 1,8 triệu lượt, tăng 16,4% so cùng kỳ 2018; trong đó, khách quốc tế ước đạt 876.500 lượt, tăng 31,2%.
Đáng chú ý, theo ghi nhận của UBND TP. Đà Nẵng, trong hơn 1,8 triệu lượt khách du lịch đến Thành phố quý I/2019 vừa qua, số khách ở các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,25 triệu lượt, tăng 35,4% so với cùng kỳ 2018; trong khi kế hoạch đề ra chỉ tăng 9,6%.
Riêng lượng khách quốc tế mà các cơ sở lưu trú phục vụ trong cùng thời gian ước đạt 331.400 lượt, tăng đến 41,4% so với kế hoạch đề ra là tăng 10,1%, tức vượt gấp khoảng 4 lần dự kiến. Tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch quý I/2019 trên địa bàn Thành phố ước đạt 6.235,6 tỷ đồng, tăng 16,4% so cùng kỳ 2018.
Hiện Đà Nẵng có hơn 790 cơ sở lưu trú với gần 35.900 phòng, tăng 90 cơ sở so với cùng kỳ năm 2018. Công suất phòng của các khách sạn từ 3 sao trở lên đạt khoảng 50 - 60%. Riêng các khách sạn lớn ở gần biển đạt công suất phòng cao hơn.
Vận tải hàng không: Chủ lực
Khách quốc tế tăng mạnh, du lịch chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đang mang đến cho phân khúc bất động sản hạng sang ở Đà Nẵng nhiều triển vọng đầu tư.
Báo cáo của đơn vị tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam cho thấy, phân khúc nhà phố, biệt thự hạng sang tại Đà Nẵng có giá trị khai thác từ việc cho thuê đạt 3 - 6%/năm, phổ biến nhất là 4 - 5%/năm.
Trong khi đó, nhìn nhận về tiềm năng của phân khúc hạng sang tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, Savills tiếp tục ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nhà ở, được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và lợi suất cho thuê cao nhất trong khu vực.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang được hưởng lợi do tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như sự tăng trưởng về số lượng đường bay thẳng quốc tế. Không mấy ngạc nhiên khi những nhà đầu tư phân khúc khách sạn đang đổ vào thị trường Việt Nam - một điểm nóng trong tương lai ở khu vực.
Với riêng Đà Nẵng, theo số liệu của Sở Du lịch Đà Nẵng, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng quý I/2019 bằng đường hàng không ước đạt 757.500 lượt, tăng 56,5% so với cùng kỳ 2018 (484.200 lượt).
Ngoài 9 đường bay nội địa, hiện có 27 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó có 15 đường bay thẳng thường kỳ và 12 đường bay thuê chuyến với tổng tần suất hoạt động là 368 chuyến/tuần, tăng 4 đường bay và 40 chuyến/tuần so với cuối năm 2018. Đặc biệt, với việc mở thêm các đường bay mới tới Đà Nẵng từ các thị trường du lịch Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản… trong thời gian tới, dự kiến lượng du khách đến Thành phố tham quan, du lịch sẽ còn tăng cao.
Sửa mình để hút khách
Thị trường bất động sản Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đang thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Matthew Powell cho biết, hàng ngày Savills vẫn luôn gặp gỡ các nhóm khách hàng đầu tư bày tỏ mối quan tâm; rất nhiều trong số đó là các nhà đầu tư lần đầu tìm hiểu về việc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Các nhóm khách hàng này chủ yếu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore. Ngoài ra, còn có cả các quỹ đầu tư đến từ Mỹ và châu Âu cũng đang tích cực nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam. Tất cả các phân khúc thương mại và nhà ở đều đang được nhắm tới.
Sự quan tâm chủ yếu xuất phát từ các quỹ đầu tư không phải với mục đích phát triển dự án, mà mua các bất động sản đã đi vào vận hành và có thu nhập, ví dụ như văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, các khách sạn 4 - 5 sao. Nhu cầu đầu tư vào thị trường là rất lớn, tuy vậy số lượng giao dịch còn hạn chế trong năm 2018 và 2019, bởi số lượng dự án được nhà đầu tư chào bán rất ít.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, không giống như những thị trường mới nổi vốn chỉ trông chờ nhiều vào khách du lịch nội địa, những thị trường truyền thống đã quen tên với khách ngoại, thì việc chủ động nâng hạng sản phẩm, để phục vụ tốt hơn nhu cầu du khách là điều nên làm.
Điển hình cho việc “sửa mình” để quyến rũ khách hàng là Dự án Cocobay mới đây đã được chủ đầu tư tái định vị lại chuỗi sản phẩm theo hướng cao cấp hơn. Một số tòa cao tầng sẽ chuyển thành shophouse, shopvillas, một số tòa condotel sẽ chuyển đổi thành chung cư với sổ đỏ sở hữu lâu dài.
“Tôi tin là với những điều chỉnh về cơ cấu sản phẩm, cùng với vị trí chiến lược nằm giữa hai sân golf, kề cận bờ biển đứng trong Top 6 đẹp nhất hành tinh, Cocobay sẽ hút khách đầu tư”, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Đô (Empire Group) - chủ đầu tư dự án cho biết.
Tái định vị sản phẩm, Cocobay cũng thay đổi luôn khách hàng mục tiêu từ khu vực Âu - Mỹ sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Bước đầu, việc nâng cấp sản phẩm của Cocobay đã thành công khi liên tục trở thành điểm đến của những đoàn khách hàng trăm người. Mới đây, một tập đoàn tổ chức sự kiện lớn ở Nhật Bản sau 1 năm nghiên cứu các địa điểm, cuối cùng đã ký với Empire Group cam kết đưa các cặp đôi người Nhật sang tổ chức cưới ở Nam An và Cocobay. Năm 2019, sẽ có 50 cặp uyên ương người Nhật tổ chức lễ cưới và năm 2020 sẽ là 200 cặp, năm 2021 là 800 cặp và năm 2022 sẽ là 1.500 đám cưới Nhật Bản diễn ra tại đây.
“Tôi rất vui vì trước đây họ chọn Bali, chọn Miami, chọn Phuket, giờ họ chọn Đà Nẵng, Cocobay và như vậy, chúng tôi đang hướng đến trở thành điểm đến của thế giới”, ông Thành hài lòng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com