Đà Nẵng xem xét việc nâng, hạ nhịp cầu và khai thác đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi phục vụ du lịch.
Đề xuất này là để phù hợp với tình hình thực tế phục vụ người dân và du khách tham quan tại Đà Nẵng, ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho biết.
Theo ông Trung, ngày 9/5 đơn vị đã gửi Công văn số 1650/SGTVT-QLKCHT để báo cáo UBND TP. Đà Nẵng về việc nâng, hạ nhịp cầu và khai thác đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Về phương án sữa chữa cầu Nguyễn Văn Trỗi đã được Sở Giao thông vận tải thống nhất với Sở Du lịch Thành phố này về thời gian nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi phù hợp với tình hình thực tế phục vụ người dân và du khách tham quan.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, việc sữa chữa cầu Nguyễn Văn Trỗi Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cơ bản hoàn thành việc sửa chữa, kiểm định cầu Nguyễn Văn Trỗi và đã có công văn gửi Sở Du lịch lấy ý kiến về phương án nâng, hạ nhịp cầu và đi bộ trên cầu. Và phương án này đã được UBND TP Đà Nẵng thống nhất.
Trên cơ sở ý kiến của Sở Du lịch (tại Công văn số 649) và ý kiến thống nhất của các cơ quan, đơn vị liên quan, Sở Giao thông vận tải có Công văn (số 1650) báo cáo, đề xuất UBND Thành phố phương án nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi 1 lần/ngày vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần và các ngày lễ, Tết trong khung giờ từ 16-18 giờ.
Trước mắt, thí điểm trong 2 tuần đầu của tháng 6/2022, làm cơ sở đánh giá hiệu quả về khai thác du lịch khi nâng, hạ cầu cũng như đánh giá công tác phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng.
Về khai thác đi bộ trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, để đề phòng nguy cơ đám đông giẫm đạp lên nhau và bảo đảm an toàn cho công trình cầu, sở đề xuất quy định số lượng không quá 200 người trên 1 nhịp cầu; đồng thời nghiêm cấm tổ chức diễu hành trên cầu.
Được xem là cây cầu có niên đại lâu đời nhất của TP. Đà Nẵng trên dòng song Hàn thơ mộng. Cây cầu này được thiết kế và xây dựng bởi hãng RMK (Mỹ) đến năm 1965 thì hoàn thành và đi vào sử dụng.
Thời điểm đó, đây là cây cầu hiếm hoi được xây với phần vòng được làm bằng thép Poni, và nhiệm vụ của nó là cầu nối giao thông giữa hai bờ sông Hàn để phục vụ cho chiến tranh.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi ở Đà Nẵng đã trải qua hai lần trùng tu năm 1978 và 1996. Đến nay, cây cầu này được xem là một kỷ vật của Thành phố, và nó đã và đang góp phần phát triển du lịch của Đà Nẵng.