Đà Nẵng đề xuất bỏ chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý rác 1.000 tấn/ngày

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày theo hình thức PPP không được Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng phê duyệt do có một số nội dung không đạt.
Các dự án nhà máy xử lý rác tại Đà Nẵng triển khai ì ạch nhiều năm đã ảnh hưởng đến việc phân loại, xử lý thu gom rác thải trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.

Các dự án nhà máy xử lý rác tại Đà Nẵng triển khai ì ạch nhiều năm đã ảnh hưởng đến việc phân loại, xử lý thu gom rác thải trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.

UBND Thành phố Đà Nẵng vừa có Tờ trình gửi HĐND thành phố về việc bãi bỏ chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày theo hình thức PPP do liên danh nhà đầu tư đề xuất đã được HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Kỳ họp thứ 16 đã thông qua Nghị quyết số 333/NQ-HĐND ngày 9/12/2020. Dự kiến, Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề), HĐND Thành phố khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) diễn ra ngày 20/2 tới sẽ xem xét Tờ trình này.

Theo UBND Thành phố Đà Nẵng, lý do bãi bỏ vì hiện nay Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt do có một số nội dung không đạt: diện tích đề xuất cho dự án, sản lượng các sản phẩm tái chế và thu hồi có thể không đạt mục tiêu của dự án; tiêu chí lựa chọn công nghệ chưa phù hợp, công nghệ lựa chọn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí yêu cầu, không phân tích các rủi ro kỹ thuật và kế hoạch giảm thiểu rủi ro, tổng mức đầu tư thấp…

Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đã thống nhất tiếp tục thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm theo hình thức PPP (đối tác công tư), đồng thời giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập và trình thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư (thay cho nhà đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư dự án như trước đây).

Mặt khác, nội dung đề xuất dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm mới có nhiều nội dung thay đổi so với nội dung dự án do nhà đầu tư đề xuất đã được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cuối năm 2020. Cụ thể là thay đổi về loại hợp đồng, diện tích dự án, công nghệ, tổng mức đầu tư, phương án tài chính, cơ cấu nguồn vốn, khung giá dịch vụ, cơ chế đảm bảo nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, thời gian thực hiện dự án (theo quy định tại Điều 17, Luật PPP năm 2020).

Ông Phạm Nam Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm trong quá trình triển khai có vướng một số thủ tục. Quá trình thẩm tra, thẩm định Dự án cho thấy, báo cáo đánh giá khả thi của nhà đầu tư đề xuất không đạt.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát HĐND Thành phố Đà Nẵng, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 650 tấn/ngày đêm (năm 2010) và dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm (năm 2017) tại Đà Nẵng triển khai qua nhiều năm, nhưng vẫn giậm chân tại chỗ, ảnh hưởng đến việc phân loại, xử lý, thu gom rác thải trên địa bàn; gây ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng đến chủ trương tạo nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND Thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh, việc xây dựng 2 nhà máy xử lý rác là sự quan tâm chung của cả Thành phố. “Cả Thành phố lo an ninh môi trường. Đà Nẵng cũng đi sớm trong chủ trương xây dựng nhà máy rác, nhưng đã hơn 10 năm vẫn chưa có sản phẩm. Trong khi đó, nhiều địa phương khác đi sau, nhưng giờ dự án của họ đã đi vào vận hành, như Huế”, ông Thắng nói. Vì thế, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét đánh giá trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan đến sự chậm trễ này.

Tin bài liên quan