Phó chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cùng Đoàn giám sát của Quốc hội vừa làm việc với chính quyền Thành phố Đà Nẵng liên quan tới các chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội.
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Lê Quang Nam cho biết, Thành phố đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản nhằm khơi thông nguồn lực phát triển.
Trong giai đoạn 2015 - 2023, Thành phố đã giải quyết nhu cầu nhà ở cho hơn 33.000 người.
Nhưng khi đại dịch Covid-19 diễn ra, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn; thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là thủ tục lựa chọn chủ đầu tư còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo kế hoạch đề ra.
Đoàn giám sát của Quốc hội vừa làm việc với chính quyền TP.Đà Nẵng liên quan tới các chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội. |
Chính quyền Thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, như nhiều địa phương khác, hiện Thành phố có 6 dự án bất động sản đang gặp vướng mắc liên quan tới thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mà nhà đầu tư “không có quyền sử dụng đất ở”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, các dự án gặp vướng mắc là Khu phức hợp Hoàng Văn Thái Plaza của Công ty cổ phần Virtours Land; Dự án Nhà ở và thương mại dịch vụ của Công ty cổ phần Hoa Ky.
Ngoài ra, còn có Trung tâm thương mại, Văn phòng, Khách sạn, Căn hộ cao cấp Diamond Square của Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng; Khu biệt thự ven sông Khuê Trung của Doanh nghiệp tư nhân Trường Đại Phúc của Doanh nghiệp tư nhân Trường Đại Phúc; Dự án Tổ hợp căn hộ chung cư và thương mại dịch vụ - Khu A2 của Công ty cổ phần Đầu tư Sơn Trà Beach.
Các dự án này chưa thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư do vướng mắc về chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở để phát triển các dự án đầu tư nhà ở thương mại.
Thành phố Đà Nẵng có nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc, cần tháo gỡ. |
Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.
Vì vậy, Thành phố Đà Nẵng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm này, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn, khơi thông nguồn lực đất đai.
Thành phố Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó, đề nghị ban hành quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội, rút ngắn trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, giao quyền cho địa phương quy định tiêu chí ưu tiên xét duyệt hồ sơ đăng ký thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.
Thành phố Đà Nẵng đạt nhiều kết quả trong phát triển nhà ở xã hội. |
Thành phố Đà Nẵng cũng kiến nghị tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội để kịp thời bổ sung vào nội dung các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023…
Theo báo cáo của Thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2015-2023, thị trường bất động sản đã có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của thành phố, với giá trị tăng thêm hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 5,56% tổng GRDP cùng giai đoạn. Mỗi năm đóng góp gần 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng GRDP, đồng thời tạo động lực tăng trưởng cho nhiều ngành nghề liên quan.
Thành phố Đà Nẵng chú trọng công tác phát triển nhà ở xã hội gắn với mục tiêu “có nhà ở” cho nhân dân theo Chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” của thành phố; bố trí quỹ đất “sạch”, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê..
Thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030; Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030; phê duyệt 8/9 đồ án quy hoạch phân khu đô thị...
Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai chấp thuận, triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố.